Ngành chăn nuôi heo - 25 năm nhìn lại: Từ thủ công đến chuỗi liên kết khép kín

P.V Thứ sáu, ngày 09/11/2018 19:00 PM (GMT+7)
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong nhiều năm liền chăn nuôi heo Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt, nằm trong nhóm 10 nước có ngành chăn nuôi heo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho là ngành này đang đối mặt với tình cảnh “lớn mà không mạnh”.
Bình luận 0

Nuôi heo thủ công, càng nuôi càng nghèo

Mặc dù chăn nuôi heo Việt Nam nằm top 10 thế giới về số lượng con xuất chuồng và sản lượng thịt, nhưng Việt Nam vẫn không có mặt trong top 20 quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới. Nguyên nhân là do chăn nuôi nhỏ lẻ với vài ba chục heo thịt ở Việt Nam kéo dài trong một thời gian dài và hiện tại vẫn còn tồn tại và chiếm một tỷ lệ khá cao so với các nước xuất khẩu thịt heo.

Chính vì nuôi nhỏ lẻ nên hầu hết các điểm chăn nuôi heo tổ chức sản xuất thủ công, sử dụng nhiều giống heo chất lượng thấp, chất lượng thức ăn kém,... Điều này khiến khả năng sinh sản, sinh trưởng của gia súc chỉ bằng 85% - 90% thế giới, hiệu quả kinh tế không cao.

img

Mô hình nuôi thủ công truyền thống hiệu quả kinh tế chưa cao.

Theo tính toán của người chăn nuôi nông hộ nhỏ, để có 1 con heo thịt nặng 100kg xuất chuồng phải bỏ ra từ 3,8 - 4 triệu đồng chi phí đầu vào. Mức chi phí này quá cao so với các nước khác, làm mất sức cạnh tranh của thịt heo ngay trên thị trường trong nước.

Ngoài ra, hiện hầu hết người chăn nuôi trong nước đang còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lẫn tiêu thụ, muốn đưa thịt ra thị trường, họ phải tự “bắt mối” và trải qua nhiều khâu trung gian. Điều này khiến giá bán thịt trên thị trường thì cao mà thực tế giá mà người nông dân bán ra rất thấp.

Những yếu tố trên dẫn đến lợi nhuận từ việc chăn nuôi heo không đủ để bù lại công sức người nông dân bỏ ra. Không những thế, đầu ra còn phụ thuộc nhiều từ thị trường nên khi bị “dội hàng” vì 1 tác nhân nào đó, đời sống người nông dân lập tức rơi vào tình cảnh bấp bênh.

Thoát nghèo nhờ nuôi theo chuỗi liên kết khép kín

Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững, cần chuyển đổi mô hình phát triển từ chú trọng tăng quy mô sang định hướng vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng.

Các chuyên gia đều cho rằng, cần tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng phát huy chuỗi liên kết khép kín, đảm bảo chất lượng thịt từ trang trại đến bàn ăn. Cụ thể là cần chuyển dịch nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất... Có như vậy mới có thể hạ giá thành, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng của sản phẩm thì nâng cao chất lượng con giống, cần liên kết với các doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp con giống chất lượng, thức ăn, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định cho thịt heo.

Một trong những đơn vị đi đầu thực hiện chuỗi khép kín trong chăn nuôi hiện nay là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Mô hình của họ đã đem đến cho người nông dân cách thức mới trong chăn nuôi heo, hướng người nông dân chăn nuôi theo quy trình công nghiệp, quy mô lớn. Thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế của người nông dân ứng dụng mô hình này rất cao.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Chúng tôi đang khuyến khích nông dân tham gia chăn nuôi hợp tác, liên kết cùng các công ty nông nghiệp có tiếng. Điều này sẽ giúp người dân đảm bảo được đầu ra của thị trường, tránh tình trạng xấu trong việc biến động thị trường”.

Chăn nuôi hợp tác – cách thức chăn nuôi mới

Ông Lê Xuân Huy – Phó Tổng giám đốc Công công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết: “Từ năm 1993, khi C.P đầu tư vào Việt Nam, chăn nuôi heo theo mô hình chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác được chú trọng và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Trong đó, việc chăn nuôi hợp tác theo mô hình của C.P. Việt Nam giúp bà con thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún”.

“Với việc đảm bảo từ nguồn thức ăn sạch, con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi theo chuẩn quốc tế, trang trại đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng môi trường, hỗ trợ bà con về kỹ thuật lẫn đầu ra cho sản phẩm... mô hình này không chỉ tạo ra nguồn cung ứng thịt đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi”, ông Xuân Huychia sẻ thêm.

img

Bên trong trang trại chăn nuôi hợp tác của C.P. Việt Nam.

Trong chăn nuôi hợp tác, người chăn nuôi bỏ vốn, được C.P. Việt Nam cung cấp con giống đầu vào, thức ăn, vắc-xin và cả hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăn nuôi. Tất cả heo nuôi theo mô hình này đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau khi đạt cân nặng hoặc thời gian dự kiến. Việc này giúp người chăn nuôi an tâm hơn trong quá trình chăn nuôi, sản phẩm chất lượng hơn, đầu ra dễ dàng và ít rủi ro hơn.

Bà Lê Thị Tịch (thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng), 1 nông dân đã thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi heo hợp tác này,hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi hiện đang nuôi 350 con heo, hiện mỗi con gần 50 kg. Khoảng 3 tháng nữa, khi heo đạt trên 100kg/con, doanh nghiệp sẽ về thu mua hết, sau đó tiếp tục thả con giống đợt tiếp theo”.

Bà nói: “Nếu chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ như trước đây, mỗi khi heo đến kỳ được bán thì hay bị thương lái ép giá, trong khi cám bã không ngừng tăng giá. Vậy nên nhiều rủi ro lắm, may ra thì lời được ít tiền công, còn không thì hòa vốn, hoặc lỗ. Cuộc sống vì vậy cũng rất bấp bênh, lúc nào cũng lo nơm nớp về giá cả, thị trường. Từ khi ký kết với C.P. Việt Nam, chăn nuôi cho họ, gia đình tôi đỡ lo lắng hơn”.

Theo các chuyên gia, chăn nuôi hợp tác là hình thức tất yếu của quá trình phát triển chăn nuôi. Tất cả các nước lớn đều phát triển theo hình thức này. Nuôi hợp tác sẽ tận dụng thời gian nhàn rỗi, sức lao động, chuồng trại của nông dân để phát triển.

Xu hướng hiện nay là thực hành chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa các bên, tránh rủi ro; đồng thời còn giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cân đối cung cầu các sản phẩm chăn nuôi.

Việc sản xuất chuyên nghiệp, liên kết chuỗi sẽ tránh được trường hợp người nông dân lao đao vì heo rớt giá, người tiêu dùng thì hoài nghi chính sản phẩm của người Việt làm ravì không có rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem