Ngày xưa ở Đồng Tháp Mười...

Thứ bảy, ngày 28/01/2012 11:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước giải phóng, Đồng Tháp Mười là vùng đất hoang ngập nước rộng gần 700.000ha. Bằng những nỗ lực của con người, vùng đất ấy giờ đã là “rốn lúa” của cả nước với mỗi năm 2 vụ năng suất cao…
Bình luận 0

Thực hiện chủ trương “Tiến quân về Đồng Tháp Mười”, bộ đội kinh tế và dân nghèo khắp nơi đã đổ về vùng đất mới “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”. Đất rộng mênh mông nhưng chỉ có cây đưng, lác và cỏ hoang sống nổi. Trong chiến tranh, nơi đây là căn cứ địa cách mạng nên Đồng Tháp Mười còn mang trong mình vô số bom đạn do kẻ thù “rải thảm” còn sót lại. Để đánh thức đồng hoang, bộ đội và dân đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và rất nhiều máu…

img
 

Nhấp ngụm trà, lão nông Nguyễn Văn Tây (84 tuổi, ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An) kể chuyện khai hoang 30 năm về trước: “Con đường trước nhà qua chỉ độ 4 - 5 cây số mà có tới hơn 20 người chết vì khai hoang bị dính bom, mìn. Hai đứa con của ông Bảy Thế là Lê Văn Hứa và Lê Thị Huệ cùng dắt trâu đi cày, trâu đạp trúng mìn chống tăng, mìn nổ làm chết cả 2 cùng đôi trâu.

Gia đình ông Phan Văn Lương có đứa con lớn đi khai hoang đạp phải mìn, một chết tại chỗ, một bị thương nặng. Ông Lương ôm đứa bị thương chạy băng đồng cả chục cây số, rồi kêu ghe chở ra Bệnh viện huyện Mộc Hóa nhưng con ông đã tắt thở trước khi tới bệnh viện. Con út của ông Lương sau đó mấy tháng cũng đạp phải mìn mà chết vì cứ nhất quyết ra đồng khai hoang chứ không chịu ở nhà”.

img
 

Theo ông Phạm Kiệp - Trưởng ấp Thái Kỳ, xã Thái Trị, Vĩnh Hưng, do vùng này gần biên giới, trong chiến tranh biên giới Tây Nam quân Pol Pot đã tràn qua đây, nên các loại trái nổ thời chiến tranh biên giới chồng lên thời chiến tranh chống Mỹ, thành tầng tầng lớp lớp bom mìn. Người dân đi khai hoang, nếu dính mìn chống tăng thì cầm chắc cái chết, còn nếu bị các loại mìn cóc, mìn nhảy... thì thường chỉ bị thương.

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, dù bị hoang hóa, nhiễm phèn nặng nhưng vùng đất này có tiềm năng rất to lớn. Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã “thử sức” khai thác Đồng Tháp Mười nhằm biến nơi đây thành trung tâm xuất khẩu lúa gạo lớn nhất Đông Dương. Pháp đã sử dụng các phương tiện sản xuất hiện đại nhất thời đó để đào các con kênh như: Phước Xuyên, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp… và đưa nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu nhưng cuối cùng đành bỏ luôn vì không chinh phục được.

Sau giải phóng, các chuyên gia nông nghiệp Hà Lan cũng đã đến khảo sát và đề nghị… không nên làm vì phèn quá nặng. Thế nhưng, những nông dân chân đất đã làm nên kỳ tích khi biến vùng đất phèn thành trung tâm sản xuất lúa, góp gần 30% sản lượng lúa cho cả ĐBSCL…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem