Thu nhập hơn 100 triệu/năm
Đến các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lộc… vào những ngày tháng 10, thay vì những cánh đồng lúa, đồi cà phê bạt ngàn trước đây là những vườn dâu xanh tốt. Nhờ đánh giá được lợi thế của địa phương cũng như sự giúp đỡ của Hội nông dân, chính quyền địa phương mà người dân đã biết chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.
Trồng dâu, nuôi tằm được xem là nghề đã có từ lâu của tỉnh Lâm Đồng. Chính vì vậy, khi người dân bắt đầu chuyển đổi phát triển ngành này cũng đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ.
Người dân ở Lâm Đồng đã có thu nhập hàng trăm triệu/năm nhờ trồng dâu nuôi tằm.
Cầm trong tay nắm lá dâu đang hái dở, bà Nguyễn Thị Dung (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) vui mừng cho biết: “Vài năm trở lại đây, nhờ giá kèm tằm cũng khá cao nên chúng tôi đã thoát cảnh đói nghèo, túng thiếu. Với 2.000m2 đất trồng dâu tằm, gia đình bà Dung nuôi liên tục, gối đầu và có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”.
Ông Lê Quang Thôn (chồng bà Dung) gần đó tiếp lời: “Những năm trước đây, làm ăn đâu có để dư được đồng nào, từ năm 2016, thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm được nên tôi đã bàn với vợ phá 2 sào đất trồng cà phê để trồng dâu giờ mới thấy quyết định của mình là đúng”.
Trồng dâu nuôi tằm đang là nghề được người dân quan tâm, phát triển.
Cũng như gia đình ông Thôn, anh K’Tiêu (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) cũng có của ăn, của để, dành được tiền gửi xuống TP. Hồ Chí Minh cho 3 người con ăn học. “Thấy nhiều người ở địa phương nuôi tằm rất ổn nên tôi đã quyết định đầu tư chuyển đổi 2.000 ruộng trồng lúa và 2.000m2 đất trồng cà phê đã già cỗi để trồng dâu siêu cành. 16 ngày nuôi là có kén để thu, nhà tôi lại nuôi liên tục gối đầu nên có tiền tiêu xài hàng tháng, dư thì đầu tư thêm phân bón vào vườn cà phê. Ngoài ra, phân tằm cũng được tôi tận dụng bón lại cho cây dâu nên rất tốt”, anh K’Tiêu chia sẻ.
Anh K'Tiêu (áo trắng) đã thoát nghèo, có tiền cho các con ăn học nhờ trồng dâu, nuôi tằm.
Hiện nay, giá kén tằm tại Lâm Đồng giao động từ 130 – 150 ngàn đồng/kg nên thu nhập của người dân khá ổn định. Bên cạnh đó, kỹ thuật, công cụ nuôi tằm đơn giản và rẻ nên giá thành đầu tư của người dân cũng thấp so với các ngành nghề khác.
Phát triển bền vững
Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển rộng ở 11 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích dâu khoảng 6.800ha (chiếm gần 67% diện tích dâu cả nước). Chính vì thế, địa phương đang đẩy mạnh ngành tơ tằm theo hướng sản xuất hiệu quả, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định với diện tích dự kiến 10.000ha vào năm 2023 với sản lượng kén khoảng 14.000 tấn.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn cho biết, trên địa bàn thị trấn đã có khoảng 1.000 hộ dân người dân tộc thiểu số K’ho chuyển sang trồng dâu nuôi tằm trong thời gian qua. Đến nay, địa phương không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Người dân đã biết áp dụng mô hình trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật và giống mới để nâng cao thu nhập.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023.
“Hiện nay, chính quyền thị trấn Đinh Văn đang hỗ trợ cho các hộ chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây dâu 500.000 đồng/sào để bà con có kinh phí đầu tư giống, mua phân bón chăm sóc dâu. Bên cạnh đó, địa phương đang tạo chuỗi liên kết, tìm doanh nghiệp để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm giúp bà con ổn định sản xuất”, ông Sơn thông tin.
Giá kén tằm ở Lâm Đồng đang giao động ở mức 130 – 150 ngàn đồng/kg.
Trong khi đó, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản Lâm Đồng cho biết, hiện địa phương đang triển khai đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023. Bên cạnh đó, tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên đã sản xuất được giống tằm lưỡng hệ quanh năm với chất lượng tốt hơn so với cả nước cũng như một số quốc gia trong khu vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.