Cảnh Thắng
Thứ sáu, ngày 06/11/2020 08:05 AM (GMT+7)
Sống cạnh mép sông Lam, hơn 20 hộ dân ở thôn 1, xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng, có hộ cách sông chỉ còn khoảng 15 m.
Sau đợt mưa lũ lớn vừa qua, nhiều hộ dân ở (thôn 1, xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn) không khỏi lo lắng khi vườn nhà bị sụt xuống sông với mức độ khá nghiêm trọng.
Chỗ ít nhất mất cỡ một vài mét, nhiều thì từ 4 – 5 m trở lên, thiệt hại trước tiên là hoa màu và các loại cây trồng khác bị cuốn trôi. Nhưng mối lo lớn nhất là bờ sông ngày một tiến gần hơn đến nhà ở và các công trình của các hộ gia đình.
Nước sông Lam bắt đầu rút, ông Bùi Xuân Hòa ra kiểm tra vườn và không khỏi lo lắng khi bờ sông đã khoét sâu vào vườn nhà hơn 2 m, hàng chục cây chuối sắp sửa cho thu hoạch bị cuốn xuống lòng sông. Phía trên xuất hiện thêm những vết nứt lớn, dự báo đất và cây sẽ tiếp tục bị cuốn xuống trong một vài ngày tới.
Vẻ mặt đầy lo âu, ông Hòa cho biết: "Hiện tượng sạt lở bắt đầu diễn ra khoảng 10 năm nay, sau mỗi trận lũ lớn, nhỏ là vườn nhà bị mất đi ít nhiều. Tính từ năm 2010 đến nay, sông đã khoét sâu vào vườn 50 m, thiệt hại khoảng 1.000 m2, chưa kể một diện tích lớn đã bị lún xuống so với ban đầu khoảng 50 cm. Tôi đã nhiều đêm thức trắng để tìm cách giữ đất nhưng đành bật lực trước sự tàn phá của thiên nhiên".
Với số diện tích bị sạt lở này, gia đình ông Hòa là hộ bị thiệt hại lớn nhất trong thôn. Ở cách ông Hòa không xa, hộ ông Phan Văn Bình cũng đang bị đe dọa bởi tình trạng bờ sông sạt lở.
Theo quan sát của chúng tôi, vị trí từ mép sông đến tường nhà chỉ còn cách khoảng 15 m, nghĩa là khoảng cách này không còn an toàn so với tốc độ sạt lở ngày một nhanh.
"Hễ trời mưa to, nước sông dâng cao là cả nhà không ai dám ngủ, thi thoảng lại nghe tiếng đất rơi xuống sông ầm ầm. Chỉ trong vòng 10 năm, bờ sông đã lấn vào hàng chục mét, với tốc độ này không biết có giữ được đất, được nhà nữa hay không", ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, vì lo lắng trước nguy cơ mất đất, gia đình đã trồng một dãy tre dọc bờ sông đề phòng, chống xói mòn, sạt lở. Nhưng thực tế hiệu quả không cao, vì bờ sông cao trên 3m, trong khi rễ tre chỉ bám được khoảng 1m.
Nước sông chảy mạnh, xói vào bờ tạo thành những "hàm ếch" khổng lồ, khi đổ sập cuốn theo cả những bụi tre và các loại cây trồng khác. Vì thế, mỗi lần xảy ra lũ lụt chỉ biết "khoanh tay" ngồi nhìn vườn nhà bị cuốn trôi.
Cần một bờ kè bảo vệ dân
Cũng ở gần sông, hộ anh Lê Thế Hoàng lại đối mặt với tình trạng đất vườn bị lún sụt và xói mòn. Theo lời ông Lê Văn Thiềng (bố anh Hoàng), trước đây, vị trí từ khu vực công trình chăn nuôi ra đến bờ sông tương đối bằng phẳng.
Nhưng mấy năm gần đây xuất hiện tình trạng lún sụt, có những điểm đã bị sụt xuống khoảng 2 mét so với ban đầu.
Đi cùng là tình trạng xói mòn, sau mỗi trận mưa lớn là một lượng đất theo dòng chảy trôi xuống sông, mặt sông lấn dần vào vườn trông thấy rõ.
Gia đình anh Hoàng cũng tiến hành trồng tre và một số cây có giá trị phòng hộ để bảo vệ đất nhưng khi nước sông tiến vào một thời gian, cây trồng bị ngâm nước rồi chết dần.
Để bảo vệ công trình chăn nuôi và nhà ở, gia đình đã trồng thêm nhiều cây và lấy đất về gia cố những vị trí xung yếu. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì chỉ cần một trận lũ mạnh có thể cuốn phăng tất cả.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đậu Văn Anh – cán bộ địa chính xã Tam Sơn cho biết: "Tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đất ở của người dân thôn 1 đã diễn ra khoảng 10 năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Hiện đoạn bờ sông bị sạt lở mạnh có chiều dài hơn 1km với 23 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích gần 10.000 m2".
Những ngày diễn ra mưa lũ, lực lượng chức năng của xã và Ban quản lý thôn đã thường xuyên kiểm tra, theo dõi và ứng trực 24/24 giờ để nắm bắt tình hình. Nếu nước lũ dâng cao, tình trạng sạt lở đe dọa an toàn tính mạng và tài sản sẽ kịp thời tổ chức di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Về nguyên nhân, theo ông Đậu Văn Anh, xuất phát từ tình trạng bồi lắng lòng sông, giữa sông hình thành bãi nổi, chia dòng chảy thành hai luồng. Luồng phía tả ngạn (phía Tam Sơn) nước sâu, chảy mạnh và "xoi" thẳng vào bờ khiến đất liên tục bị sạt lở.
Nhất là những năm gần đây vào mùa mưa lũ, các thủy điện liên tục xả lũ khiến tốc độ sạt lở ngày một nhanh. Để phòng, chống sạt lở, hàng năm xã đều vận động nhân dân trồng tre dọc bãi và bờ sông nhưng vẫn không ngăn được "thủy thần". Thậm chí, những bụi tre và cây cối được trồng từ hàng chục năm trước cũng bị đổ xuống sông và nước cuốn ra xa. Nếu theo đà này, ít năm nữa bờ sông sẽ tiến sát nhà ở, đe dọa sự an toàn của hàng chục hộ dân. Đến lúc ấy chắc chắn sẽ phải tính đến phương án di dời, tái định cư.
Hiện tại, chính quyền địa phương và 23 hộ dân thuộc thôn 1, xã Tam Sơn đang hết sức lo ngại vì chưa tìm được cách khắc phục và hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông. Bởi giải pháp trồng cây phòng hộ, giữ đất, chống xói mòn không còn hữu hiệu trước sự tàn phá của dòng nước xiết và lên, xuống thất thường do những trận mưa, lũ lớn xẩy ra với tần suất ngày càng lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho biết: "Tình trạng sạt lở bờ sông, người dân đang bị mất đất ở đang là mối lo lớn. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện và mong được cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ kè mới đủ khả năng chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho bà con nhân dân".
Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Quyền - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn chi biết: "Sau đợt mưa lũ vừa qua, huyện đã thành lập đoàn đi kiểm tra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại xã Tam Sơn.
Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy tình trạng sạt lở bờ sông đã tiến gần đến nhà 23 hộ dân rồi. Tôi đã báo cáo vấn đề nghiêm trọng nay đến lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng. Hị vọng người dân nơi đây sớm có một bờ kè vững chãi trong thời gian sớm nhất".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.