Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch Nguyễn Huệ

Thứ bảy, ngày 03/09/2022 16:33 PM (GMT+7)
Thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó, nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong chiến dịch có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng.
Bình luận 0

Một là, tạo lập thế trận vững chắc. Khi mở chiến dịch, ta gặp rất nhiều khó khăn. Địch tiến hành các hoạt động phá thế chuẩn bị của ta với quy mô lớn, dọc theo tuyến biên giới miền Đông Nam Bộ. Chúng tăng cường đánh phá các khu vực đứng chân của bộ đội chủ lực ta dọc theo Đường số 1, Đường số 22 và Đường số 7. Trong khi đó, bộ đội địa phương mỏng, yếu, chiến trường bị chia cắt, đại đa số nhân dân bị kìm kẹp trong ấp chiến lược nên quyền chủ động lúc này thuộc về địch. Từ thực tế đó, bộ tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo chuẩn bị tập trung vào nhiệm vụ tạo lực đủ mạnh, bảo đảm đánh địch liên tục, dài ngày và chắc thắng.

Theo đó, bộ tư lệnh chiến dịch xác định, để lập được thế trận tiến công vững chắc thì việc tạo thế giữ vai trò quan trọng. Có đánh bại hoạt động chống phá của địch mới bảo đảm an toàn hậu phương chiến dịch, tạo bàn đạp tiến công dọc theo biên giới, thiết lập thế trận có lợi. Ngay khi bước vào đợt 1 của chiến dịch, theo kế hoạch nghi binh thu hút địch, ngày 1-4-1972, trên hướng thứ yếu, ta nổ súng tiến công vào đội hình phòng ngự của Chiến đoàn 49 (Sư đoàn 25 Bộ binh của địch) tại Xa Mát, Bàu Dung và bắc Thiện Ngôn. Các trận đánh diễn ra thuận lợi, sáng 2-4, ta hoàn toàn làm chủ Xa Mát.

Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch Nguyễn Huệ - Ảnh 1.

Nhân dân chào đón Quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh (Bình Phước), tháng 4-1972. Ảnh tư liệu

Cùng với tiến công trên hướng thứ yếu, ngày 4-4, các đơn vị khác của ta đã chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Sư đoàn 5 bao vây cụm cứ điểm Lộc Ninh, Sư đoàn 9 triển khai ở bắc thị xã Bình Long, Sư đoàn 7 triển khai chốt chặn ở hai khu vực cầu Cần Lê-ngã ba Đường số 17 phía bắc thị xã Bình Long và từ nam thị xã Bình Long đến bắc Chơn Thành. Thế trận triển khai của các sư đoàn kết hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương, hình thành thế bố trí liên hoàn, bao vây, chia cắt đội hình phòng ngự của địch, buộc chúng vào thế bị động, tạo lợi thế tiến công chiến dịch ngay từ đầu. Với việc bố trí triển khai lực lượng và binh khí kỹ thuật từ vị trí tập kết phía Bắc xuống Nam biên giới, ta đã tạo được thế cài răng lược, buộc địch phải bố trí dàn mỏng lực lượng, hình thành từng khu phòng ngự cấp chiến đoàn, tạo ra khoảng cách để ta luồn sâu vào nội địa địch, lập thế trận áp đảo địch ngay từ đầu.

Sau 4 ngày mở đầu chiến dịch, ta đã giành thắng lợi trên hướng thứ yếu, tiêu diệt cụm cứ điểm tiền tiêu Xa Mát, làm chủ từ bắc Thiện Ngôn đến biên giới Việt Nam-Campuchia, đồng thời, các đơn vị trên hướng chủ yếu vào triển khai đúng kế hoạch, nắm được thế chủ động và hoàn toàn giữ bí mật.

Hai là, chuyển hóa thế trận linh hoạt. Quá trình phát triển chiến dịch tiến công, trước sự phản ứng quyết liệt của địch, có lúc ta rơi vào thế bất lợi. Nắm chắc tình hình, bộ tư lệnh chiến dịch chủ động chỉ đạo chuyển hóa thế trận linh hoạt, giành lại thế chủ động. Khi chưa đánh chiếm được thị xã Bình Long, ta buộc phải dựa vào các khu chốt chặn trên Đường số 13, thực hành tác chiến chặn địch, không cho chúng phát triển lên vùng ta mới giải phóng (Lộc Ninh).

Gần hai tháng (từ ngày 16-5 đến 14-7-1972), ta liên tục đánh lùi các cuộc hành quân mở đường lên phía bắc của địch, tiêu hao một bộ phận sinh lực của chúng, tiếp tục khống chế Đường số 13. Từ ngày 15-7 đến 10-8, khu chốt chặn Tàu Ô của ta bị bao vây chia cắt, sức ép của địch ngày càng mạnh, khu chốt của ta bị đe dọa. Trước tình thế đó, bộ tư lệnh chiến dịch đã kịp thời chuyển lực lượng chủ yếu của chiến dịch về phía sau lưng địch rồi bất ngờ tiến công vào căn cứ Lai Khê (hậu cứ Sư đoàn 5 của địch), uy hiếp Chơn Thành (Sở chỉ huy Sư đoàn 25 của địch), sử dụng lực lượng tương đối mạnh, đón đánh địch trên đoạn Chơn Thành đi Lai Khê; diệt gọn hai tiểu đoàn biệt động quân từ Biên Hòa chi viện lên, buộc Sư đoàn 25 của địch phải rút khỏi Tàu Ô, giành lại thế chủ động, tiếp tục tiến công xuống phía Nam.

Trên cơ sở đánh bại âm mưu giải tỏa Đường số 13 của địch, tháng 10-1972, ta tranh thủ thời cơ, chủ động chuyển hóa thế trận tiến công với việc phát triển xuống vùng bắc Bình Dương, đánh phá bình định, uy hiếp vòng cung phía bắc Sài Gòn, phá tan ý định đánh lên vùng giải phóng của địch, đưa hoạt động của ta trở lại thế tiến công.

Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra liên tục, dài ngày, ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu, trực tiếp uy hiếp cửa ngõ Sài Gòn từ phía tây bắc, góp phần vào chiến thắng chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ, giành lại quyền chủ động chiến lược, tạo địa bàn đứng chân vững chắc cho bộ đội chủ lực, đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân phát triển.

Phạm Anh Tuấn (Theo Báo Quân Đội Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem