Nghị định 168 thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân, vượt đèn đỏ được hạn chế

Thế Anh Thứ tư, ngày 15/01/2025 16:03 PM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Nghị định 168 đã phát huy hiệu quả rõ rệt về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Bình luận 0

Hiệu quả từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ ban hành có hiệu lực, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, ý thức của người dân tham gia giao thông cải thiện rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ đã được hạn chế.

Đánh giá về tính hiệu quả của Nghị định 168, chiều ngày 15/1, trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: "Nghị định 168 đã phát huy hiệu quả rõ rệt về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông".

Nghị định 168 đã thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân, không còn vượt đèn đỏ - Ảnh 1.

Ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. (Ảnh: Phạm Hưng)

Ông Uy cho biết, một trong những nguyên nhân gây mất trật tự, an toàn giao thông hàng đầu trong nhiều năm qua là ý thức tham gia giao thông của bộ phận không nhỏ người dân còn kém. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM nơi mật độ phương tiện cao, ùn tắc thường xuyên, hiện tượng coi thường luật, lưu thông tùy tiện lại càng diễn ra phổ biến, thậm chí là ngay trước mặt CSGT vẫn có không ít người ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi ngược chiều…

"Ở TP.Hà Nội, trong những ngày qua, đi ra đường chúng ta nhận thấy rõ không còn trạng vượt đèn đỏ nhiều như trước đây. Người dân đã chấp hành nghiêm túc các quy tắc giao thông, nhất là hiệu lệnh của đèn tín hiệu", ông Uy nêu rõ tính hiệu quả của Nghị định 168.

Theo ông Uy, trong số liệu thống kê của Cục CSGT - Bộ Công an đã thể hiện rất rõ tính hiệu quả này. Chỉ trong 2 tuần thực hiện Nghị định 168, các tiêu chí về trật tự an toàn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương.

Cụ thể, trên toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết, 453 người bị thương. So sánh với cùng kỳ năm trước, con số này đã giảm 355 vụ, giảm 34,27%; Giảm 47 người chết, giảm 11,41%; Giảm 426 người bị thương, giảm 34,24%. So sánh với thời gian trước liền kề khi chưa thực hiện Nghị định 168, hiện đã giảm 347 vụ (giảm 34,53%); Giảm 94 người chết (giảm 20,47%); Giảm 301 người bị thương (giảm 39,92%).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được ông Uy cũng nêu ra các bất cập: "Chúng tôi có khảo sát ý kiến một số người dân, doanh nghiệp vận tải, mọi người cũng lo ngại về mức xử phạt cao quá. Cùng với đó, hạ tầng giao thông của chúng ta vẫn chưa đáp ứng xứng tầm với Nghị định 168".

Nghị định 168 đã thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân, không còn vượt đèn đỏ - Ảnh 2.

Người dân chấp hành các quy định theo Nghị định 168. (Ảnh: Phạm Hưng)

Cần đồng bộ biển báo, đèn tín hiệu giao thông

Theo ông Uy, các biển báo giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như việc người dân muốn rẽ trái hoặc quay đầu xe, nhưng biển báo giao thông lại nằm ở bên phải; Một số biển báo giới hạn tốc độ cũng có tình trạng tương tự.

Một bất cập nữa là đèn tín hiệu giao thông vẫn chưa được đồng bộ, còn xảy ra các lỗi đổi màu đỏ - xanh, hoặc ở ngã tư, có nơi cho phương tiện rẽ phải, nhưng có nơi lại không cho rẽ phải.

Do đó, cần phải bổ thêm các giá long môn ở trên các tuyến đường để treo biển báo giao thông vào đó. Như vậy, mới hạn chế được việc người dân vô tình vi phạm giao thông (Người dân không bị bẫy vi phạm giao thông).

Trước đó, chia sẻ với PV Dân Việt về các pha đèn đỏ - xanh có thời gian chưa phù hợp, có đèn đỏ nhảy chu kỳ tới 120 giây, dẫn tới ùn tắc giao thông, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: "Việc pha đèn dài hay ngắn tại các nút giao đều liên quan đến kỹ thuật và lưu lượng phương tiện tại khu vực đó. Chu kỳ đèn phụ thuộc vào việc cân đối lưu lượng theo các hướng và được tính toán cụ thể".

"Bất kỳ nút đèn nào cũng chỉ đáp ứng được trong một lưu lượng nhất định, nếu xảy ra quá tải phương tiện thì nút đèn cũng mất tác dụng", ông Bảo nhấn mạnh.

"Nhiều nút giao thông tại Hà Nội hiện nay có lưu lượng xe vượt rất nhiều so với khả năng đáp ứng, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Do vậy, phải ưu tiên tuyến chính, tuyến có lưu lượng lớn hơn, giải phóng lưu lượng nhanh nhất", ông Bảo phân tích thêm.

Đối với trường hợp một số đèn tín hiệu "đang đỏ bất ngờ chuyển sang xanh", ông Bảo giải thích, hiện có hơn 800 đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội do Sở GTVT quản lý. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào hoạt động mà không bao giờ bị trục trặc. Khi có thông tin về đèn tín hiệu gặp vấn đề, Sở GTVT ngay lập tức cho sửa chữa, điều chỉnh với sự tham gia của đội phản ứng nhanh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem