Hôm nay (13-12), VFF chính thức nhận đơn xin đăng ký mua vé trận bán kết lượt về với Malaysia qua đường công văn. Nếu nhìn vào lượng khán giả đã đến sân Mỹ Đình vòng bảng, có thể khẳng định, cung sẽ không đủ cầu. Sân Mỹ Đình 4 vạn chỗ bỗng trở nên nhỏ bé.
Thế nhưng điều khiến nhiều người ngỡ ngàng chính là việc giá vé "bỗng nhiên" tăng chóng mặt. Từ các mức 180.000 đồng, 150.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng mỗi vé ở vòng bảng đã lên tới 400.000 đồng, 300.000 đồng, 200.000 đồng và 100.000 đồng.
Nghĩa là ít nhất đã tăng gấp đôi.
Dù tất cả đang sống trong thời bão giá nhưng có lẽ chưa có mặt hàng nào tăng đến…100% như tấm vé xem đá bóng. Tình yêu bóng đá của người Việt Nam có thừa nhưng nếu nhìn vào đó để trục lợi thì lại là điều không thể chấp nhận được.
Nên nhớ cách đây 2 năm, giá vé ở trận bán kết AFF Cup 2008 cao nhất chỉ là 180.000 đồng, trận chung kết cũng chỉ lên đến mức đỉnh là 300.000 đồng.
Thực tế, mối lo không phải là việc tăng giá vé gốc lên gấp đôi mà chính là cách phát hành vé dường như đã có tiêu cực, khi vé "chạy" hết ra chợ đen. Ở đây, nó sẽ không còn là 400.000 đồng một vé nữa mà có khả năng tăng gấp 3-4 lần. VFF được lợi vì tăng giá vé, con phe cũng sẽ được lợi vì muốn "hét" bao nhiêu cũng được, chỉ người hâm mộ là thiệt thòi nếu muốn vào sân.
Có vẻ như VFF đang vào thời kỳ "gặt", từ chuyện cái vé ở sân Mỹ Đình cho tới việc mau mắn bán bản quyền V.League, ĐTVN cho AVG với thời hạn lên tới… 20 năm.
Đội tuyển được nuôi bằng ngân sách nhà nước, trong đó là tiền thuế của dân. Vì thế thật khó mà thông cảm được chuyện lấy chính đội tuyển ra để kiếm lời theo cái cách rất con buôn: "Thấy lợi thì làm".
Vi Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.