Nghiện game, mê mạng xã hội khiến giới trẻ có thể bị sa sút trí tuệ như người già

Diệu Linh Thứ tư, ngày 12/10/2022 06:06 AM (GMT+7)
Sa sút tri tuệ là căn bệnh phổ biến của người già nhưng gần đây đã có nhiều người trẻ mắc căn bệnh "lơ mơ", nhớ nhớ quên quên này chỉ vì mê mải vào thế giới ảo, nghiện game, mê mạng xã hội.
Bình luận 0

Nguy cơ sa sút trí tuệ ở người trẻ

PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu - Phó chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 500.000 người bị sa sút trí tuệ, đại đa số là người cao tuổi. 

Tuy nhiên, vài năm gần đây, có nhiều người trẻ đã bị sa sút trí tuệ do các bệnh lý về não, chấn thương sọ não sau tai nạn, đột quỵ não... 

Nghiện game, mê mạng xã hội khiến giới trẻ có thể bị sa sút trí tuệ như người già - Ảnh 1.

Sa sút trí tuệ vốn là bệnh của người già (Phục hồi chức năng cho người già bị sa sút trí tuệ do đột quỵ não tại Bệnh viện Quân đội 108. Ảnh BVCC)

Hội chứng sa sút trí tuệ khiến nhiều người trẻ rơi vào tình trạng "nhớ nhớ quên quên", năng lực học tập và làm việc bị giảm sút, khả năng ngôn ngữ, tính toán đều trở nên "ngu ngơ" hơn. 

"Xưa nay, sa sút trí tuệ được xem là bệnh của người già (trên 65 tuổi) nhưng ngày nay, nhiều người độ trung niên (40-50 tuổi), thậm chí người trẻ đã bị sa sút trí tuệ. Nguyên nhân là do lối sống hiện đại lười vận động, lười tư duy, giảm giao tiếp, sa đà vào mạng xã hội, nghiện game... nên bộ óc không được "kích hoạt" nhiều, dẫn đến thoái trào... ", PGS Lưu phân tích. 

Cuộc sống gắn bó với quá nhiều công nghệ khiến con người lười gặp nhau, lười giao tiếp, lười ghi nhớ vì muốn tìm hiểu cái gì cũng có "google" trợ giúp, ngón tay thay cho "miệng"... 

Đồng thời, việc lạm dụng rượu bia, lạm dụng thuốc, lạm dụng chất kích thích cũng làm ức chế trí não, lâu dài dẫn đến giảm nhận thức, dẫn đến thoái hóa thần kinh sớm và sa sút trí tuệ. 

Ngoài ra, cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực căng thẳng khiến nhiều người trẻ bị trầm cảm, sống thu mình, né tránh tương tác, trò chuyện với người khác... nên dẫn đến nguy cơ sa sút trí tuệ. 

Theo PGS Lưu, ông đã từng điều trị và phục hồi chức năng cho nhiều người trẻ có biểu hiện sa sút trí tuệ, khiến họ mắc bệnh đãng trí của người già. 

Sa sút trí tuệ ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống của người trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Tâm thần người cao tuổi (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não với đặc trưng bởi các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục...

Theo bác sĩ Loan, các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ đa phần là do bệnh Alzheimer (bệnh của người già,, chiếm 60-80%). 

Nghiện game, mê mạng xã hội khiến giới trẻ có thể bị sa sút trí tuệ như người già - Ảnh 2.

Nhưng ngày nay, nhiều người trẻ đắm chìm trong thế giới ảo quên giao tiếp, lười suy nghĩ nên cũng bị sa sút trí tuệ (Ảnh minh họa Istockphoto)

Ngoài ra còn do rối loạn thần kinh và chấn thương như chấn thương sọ não; do bệnh nhồi máu cơ tim, viêm não, xuất huyết não; do sự rối loạn nội tiết như bị mắc đái tháo đường, suy giáp;  do việc lạm dụng các chất kích thích, sử dụng thuốc không hợp lý.

Ngày nay, ngày càng có nhiều người trẻ bị sa sút trí tuệ do mắc các bệnh mãn tính đái tháo đường, suy giáp hoặc do lạm dụng các chất kích thích, sử dụng thuốc không hợp lý, nghiện game, nghiện rượu... 

Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng cho rằng, nghiện game làm thay đổi lối sống của người trẻ, khiến người trẻ "quên suy nghĩ", lười giao tiếp, ăn uống thất thường, học tập chểnh mảng và chỉ đắm chìm trong thế giới ảo

"Lâu dần cơ thể của người nghiện game sẽ bị suy nhược hoặc biến đổi nhận cách như có các hành vi bất thường, hay cáu giận, hung hãn. Người nghiện game học hành bê trễ, không giao lưu, kết bạn, đầu óc lơ mơ trong thế giới game cũng không làm gì "nên hồn" và dần dần bị sa sút trí tuệ", bác sĩ Cương cho biết. 

Theo các chuyên gia y tế, biểu hiện sa sút trí tuệ ở người trẻ thường là mất trí nhớ ngắn hạn, giảm khả năng làm việc, thay đổi tâm trạng.

Cụ thể như quên những việc đơn giản, quên tên của 1 người thường gặp, quên việc xảy ra ở thời gian ngắn trước đó... Ngoài gia, sa sút trí tuệ cũng khiến người trẻ dễ cáu giận, nổi nóng hơn bình thường, dễ bị kích động bởi những việc đơn giản.

Họ cũng bị mất khả năng hứng thú với mọi việc xung quanh, cảm xúc "chết lặng", thờ ơ, lười hoạt động, lười tiếp xúc, không thích làm cả những việc mình vẫn yêu thích trước đây...

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới có khoảng 7% người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Số người mắc chứng sa sút trí tuệ được dự báo sẽ tiếp tục tăng, phần lớn đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, ước tính có hơn 500.000 người bị sa sút trí tuệ. Hội chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem