VFF lúng túng
Không quá khi cho rằng sau mỗi thành công hay thất bại của bóng đá VN, VFF lại “giật mình” không hiểu vì sao.
|
Ngoại binh - sự cạnh tranh cần thiết đối với cầu thủ nội. |
Cách đây 3 năm, sau danh hiệu vô địch AFF Cup 2008, HLV Calisto từng nhiều lần bày tỏ ý kiến nên tăng số ngoại binh ở V.League, giúp các nội binh có một môi trường cạnh tranh cần thiết để phát triển. Việc các đội tuyển VN những năm qua tự tin đọ sức với các đối thủ Tây Á cao to hơn, thay vì chưa đá đã… sợ như trước cũng được cho là có sự đóng góp của các ngoại binh.
Nhiều trận đấu ở V.League hấp dẫn được thế cũng có dấu ấn của những Kesley, Merlo, Leandro, Samson, Evaldo… Và có những thời điểm, VFF cũng dao động xem có nên tăng số ngoại binh ở V.League cho “xôm” hơn không?
Vậy mà sau thất bại SEA Games 2011, HLV Goetz và những người làm bóng đá VN lại lập luận theo kiểu đổ lỗi hoàn toàn cho… V.League và các ngoại binh. Giải pháp lập tức được đưa ra khi theo dự thảo quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012, cầu thủ có bố hoặc mẹ là người Việt sẽ được coi là nội binh ở mùa giải 2012.
Tới V.League 2013, mỗi đội bóng ngoại hạng chỉ được đăng ký 3 ngoại binh (2 ngoại binh đá trên sân). Còn giải hạng Nhất sẽ không sử dụng ngoại binh. Số lượng cầu thủ U21 trong danh sách mỗi đội là 5 người, trong đó có 2 người đăng ký trong danh sách thi đấu.
Câu hỏi đặt ra là VFF có quá hấp tấp khi kết luận nguyên nhân, và đưa ra giải pháp một cách vội vàng? Chỉ biết rằng tại cuộc họp giữa VFF và đại diện các CLB V.League, hạng Nhất mới đây, đề xuất nói trên đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận. Và tất cả chỉ được quyết định tại Đại hội cổ đông Công ty Quản lý bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) diễn ra vào giữa tháng 12.
Sửa sai bằng cái sai khác?
Thực tế không thể phủ nhận việc xuất hiện ào ạt của ngoại binh cộng với xu hướng nhập tịch “bừa” từ phía các CLB thời gian gần đây đã khiến cầu thủ nội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ không có cơ hội thể hiện mình. Đó là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng đội U23, ĐTQG, nhưng không phải là gốc rễ vấn đề.
Trao đổi phóng viên, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nói: “Vấn đề quan trọng là các đội bóng đào tạo bài bản ra sao và chủ động trao cơ hội cho nội binh như thế nào mà thôi. Giải ngoại hạng Anh có thời gian lạm dụng ngoại binh và chất lượng đội tuyển cũng yếu đi. Nhưng không phải vì thế mà họ mà họ có cách nhìn lệch lạc về ngoại binh.
Nói về HLV Goetz, ông Nguyễn Văn Vinh nói: “Nếu nghĩ một HLV đã làm việc ở Bundesliga là có thể làm việc tốt ở các đội tuyển VN là sai lầm. Đó là “bệnh chung” của bóng đá VN từ lâu rồi khi ở các CLB, HLV nào không làm được V.League thì bị đẩy xuống đội trẻ. Cần nhớ, mỗi cấp độ đều có đặc thù riêng, và cần có HLV phù hợp”.
Những người làm bóng đá phải có tầm, hiểu biết sâu, phân tích bản chất để quyết sách thế nào cho đúng. Chứ không phải chỉ nhìn thấy hiện tượng, sửa ngay cái sai này bằng một... cái sai khác. Điều cần làm lúc này là VFF, các CLB nên tập trung tâm huyết đào tạo trẻ, xây dựng đội ngũ HLV, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của bóng đá VN”.
Ví dụ rõ nhất là “lò” đào tạo SLNA với “cái nền” cơ bản tốt, bao năm qua vẫn cung cấp cho các ĐTQG nhiều cầu thủ có chất lượng, bất chấp những diễn biến thời cuộc. Dưới trướng HLV Hữu Thắng, các cầu thủ trẻ xứ Nghệ vẫn có đất thể hiện mình ở V.League bên cạnh các ngoại binh chất lượng.
“Ai bảo nếu hạn chế ngoại binh thì các “sao nội” không lấy đó làm vui, càng có cơ hội làm càn khi thiếu đối trọng xứng tầm. Đó là chưa kể tới việc chất lượng V.League giảm sút, và người hâm mộ cũng sẽ chẳng hào hứng tới sân. Ở sân Cao Lãnh những năm qua, CĐV đến sân chỉ để xem Samson ghi bàn đó thôi” - một chuyên gia lão làng (xin giấu tên) bày tỏ.
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.