“Ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần đưa ngoại giao ta lên tầm quốc tế
Đường lối “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần đưa nền ngoại giao Việt Nam lên tầm quốc tế
V.N
Thứ năm, ngày 25/07/2024 08:46 AM (GMT+7)
Các nhà ngoại giao Việt Nam nhất trí rằng đường lối "ngoại giao cây tre Việt Nam" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc rút từ lịch sử dân tộc đã khiến các nước khâm phục và đem lại vị thế mới cho đất nước.
Tổng thống Putin đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – đó là chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nga.
Đại sứ cho biết, ông đã được tiếp xúc với Tổng Bí thư nhiều lần, gần đây nhất là khi ông làm Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga. "Năm 2018, tôi được đón Tổng Bí thư và đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước sang thăm chính thức Nga" – ông Sơn nhớ lại.
"Trong dịp này, Tổng thống Putin đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã có những lúc phát biểu, tâm sự với chúng tôi, những người làm công tác ngoại giao, rằng Việt Nam đã xác định, đã chọn con đường đi đúng, ổn định chính trị đất nước, phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh, ở đỉnh cao rất xứng đáng trong hội nhập quốc tế, được bạn bè quốc tế tôn trọng và khâm phục".
"Bạn cũng khẳng định chúng ta thành công là nhờ sự chỉ đạo quyết tâm, đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là đánh giá của một cường quốc lớn trên thế giới như Liên bang Nga về đường lối đối ngoại của chúng ta".
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhận xét, điều đó khẳng định đường lối đối ngoại của chúng ta từ thời kỳ chúng ta thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Bác Hồ là người đặt nền móng cho "ngoại giao cây tre", cho tới nay.
"Tôi cho rằng đường lối đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội 13 rất có hiệu quả và khẳng định sự đúng đắn, nhất là với đúc kết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối "ngoại giao cây tre Việt Nam". Thực tế là nó chính xác về cả hình tượng và ý nghĩa. Chúng ta kiên định đường lối chính sách bền vững, ổn định lâu dài, nhưng công tác đối ngoại của chúng ta luôn uyển chuyển, phù hợp với tình hình thế giới" – nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ tại Nga nói.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất mong muốn đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam phải tiến lên chính quy hiện đại, từng bước hiện đại hóa, chuẩn hóa cán bộ ngoại giao ngang tầm thế giới.
Đặc sắc ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
PGS TS, Đại sứ Dương Văn Quảng – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết, qua nhiều hội nghị ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo những người làm ngoại giao suy nghĩ về việc "Xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam toàn diện hiện đại mang bản sắc cây tre Việt Nam" .
Theo Đại sứ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên đưa ra hình tượng "ngoại giao cây tre Việt Nam". Làm công việc nghiên cứu lâu năm, ông Quảng phân tích: Khi liên tưởng đến ngoại giao thì gốc tre chính là truyền thống ngoại giao Việt Nam do cha ông xây dựng nên, đúc kết thành truyền thống ngoại giao hòa hiếu, mà chữ "hòa hiếu" mang rất nhiều nghĩa.
Cái gốc đó được xây dựng nên bởi tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao kể từ năm 1946 đến nay, thông qua 3 dấu mốc ngoại giao quan trọng: Thời kỳ 1946 - chúng ta đàm phán HIệp định sơ bộ 6/3, ký kết tạm ước 14/9/46 tại Fontainebleau, rồi đến Hiệp định Geneve 1954, Hiệp Paris 1973. Ngoại giao bây giờ và mãi sau này xuất phát từ cái gốc đó, gốc càng vững thì phần trên càng vững.
Thân cây tre, đó là toàn bộ quan điểm đường lối của chúng ta về quan hệ quốc tế và các vấn đề quốc tế, các đối tượng đối tác khác nhau trong quan hệ quốc tế. Thân cây tre cũng là lợi ích quốc gia dân tộc, mỗi thời kỳ nội hàm của khái niệm này khác nhau mà nước nào thời nào cũng phải xác định rõ. Lợi ích quốc gia dân tộc không chỉ câu chuyện kinh tế chính trị mà cả chủ quyền, chế độ, truyền thông, thông tin, văn hóa…
Ngọn tre là phần mà ta phải thích ứng với bên ngoài, luôn thay đổi chuyển động, đó gọi là nghệ thuật ngoại giao. Nhưng chuyển động đó luôn gắn bó với thân rễ, ngọn càng mềm, càng giỏi bao nhiêu là nhờ vào phần gốc và thân. Chúng ta hiểu bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam là như vậy, vững gốc, chắc thân, ngọn uyển chuyển.
Nhìn lại những chuyến thăm lớn của lãnh đạo các cường quốc tới thăm Việt Nam trong chưa đầy một năm qua, Đại sứ Dương Văn Quảng nói: Việc đón tiếp lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nga trong bối cảnh cạnh tranh chính là sự thể hiện bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam. Chúng ta đã mời và đón tiếp lãnh đạo cả 3 nước trong bối cảnh họ rất khác nhau về quan điểm, nhìn nhận, nhưng ta đều phát triển quan hệ, đối thoại với họ ở mỗi nước với góc độ khác nhau, khi đã mời họ đến đây nghĩa là họ chấp nhận suy nghĩ của chúng ta về thế giới, về khu vực, về quan hệ song phương và với các nước.
Điều đó cho thấy bản sắc ngoại giao của chúng ta là vì lợi ích quốc gia dân tộc, sẵn sàng làm bạn và đối tác có trách nhiệm của các nước trên thế giới. Đó là sự đặc sắc của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ hội nhập – ông Quảng cho biết.
Chúng tôi coi Tổng Bí thư như một người thầy
"Trong ngành ngoại giao, dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải từ ngoại giao mà ra, nhưng chúng tôi coi như một người thầy, một người mà chúng tôi rất kính trọng và học tập" – ông Lê Văn Bàng, nguyên Đại sứ đầu tiên từ Việt Nam tại Mỹ (1997-2001), nguyên Thứ trưởng ngoại giao (2002-2010) nói.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 5 lần đến Hội nghị ngoại giao để nói chuyện và căn dặn cán bộ ngoại giao, nên những cán bộ ngoại giao như chúng tôi rất thân mến và biết ơn Tổng Bí thư. Những lời dặn, bài viết của Tổng Bí thư về ngoại giao, nhất là về ngoại giao cây tre Việt Nam là điều chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi".
Đại sứ Lê Bàng nói rằng, đó là lời dạy mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút từ lịch sử ngoại giao của dân tộc, để tổng kết thành "ngoại giao cây tre" – rất cứng rắn nhưng cũng rất mềm, đưa nền ngoại giao Việt Nam lên tầm cỡ quốc tế, rất nhiều nước học tập.
Là một chuyên gia về Mỹ, ông Lê Văn Bàng cho biết: "Tôi có những kỷ niệm sâu sắc với Tổng Bí thư".
Ông chia sẻ, khi ông là Đại sứ Việt Nam ở Mỹ, những năm 1996-1997 ông đã gặp Tổng Bí thư. "Khi đó Tổng Bí thư chưa phụ trách toàn bộ và ông có hỏi chúng tôi hội nhập quốc tế là như thế nào. Tôi nhớ rất rõ buổi hôm đó tôi có đứng lên phát biểu. Tôi nói rằng hội nhập quốc tế cũng như con suối chảy ra sông, sông ra biển lớn. Chúng ta phải làm như vậy nếu không sẽ không bao giờ biết biển lớn. Đó là vấn đề hội nhập quốc tế, là toàn cầu hóa và có lợi cho quốc gia. Đó là ý kiến mà tôi đã nêu ra hơn 20 năm trước và Tổng Bí thư cũng đồng ý như vậy. Đến nay chúng ta đã làm được điều đó".
Năm 2015, Tổng Bí thư thăm Mỹ, nguyên Đại sứ Lê Bàng lại được góp ý kiến cho chuyến thăm. Ông đã nói rằng Việt Nam nên nâng cao quan hệ kinh tế với Mỹ. Quan hệ kinh tế rất quan trọng. Chuyến đi của Tổng Bí thư sang Mỹ là một chuyến đi lịch sử đối với quan hệ hai nước cũng như với lịch sử nhân loại.
Sau này, Tổng Bí thư cũng theo dõi, chỉ đạo rất nhiều trong quan hệ với Mỹ - ông Bàng cho biết. Năm 2023, Tổng Bí thư đón Tổng thống Biden sang thăm và nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ đó rất có lợi cho nhân dân, đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.