Nhật Bản khẳng định, đây là bằng chứng để nói rằng, Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền không có cơ sở.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 10.10 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát trên Biển Hoa Đông, bằng cách ghi nhận rằng một tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1960 đã mô tả quần đảo này thuộc lãnh thổ Nhật Bản.
|
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Senkaku. |
Ông Gemba khẳng định lập trường của Nhật Bản rằng, Trung Quốc đã bắt đầu đòi chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku vào thập niên 1970. Điều này cho thấy Bắc Kinh trước đó đã không coi quần đảo này là một phần lãnh thổ của họ. Để chứng minh rõ hơn, ông Gemba đã trích dẫn một bức thư đánh giá của viên lãnh sự Cộng hòa Trung Hoa lúc bấy giờ tại Nagasaki vào năm 1920 gửi cho một người Nhật Bản, theo đó mô tả quần đảo này là "quần đảo Senkaku thuộc quận Yaeyama, tỉnh Okinawa".
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định quần đảo là một phần lãnh thổ nước này từ thời xa xưa và Nhật “đã cướp” quần đảo của Trung Quốc vào năm 1895, ở cuối cuộc chiến Trung-Nhật.
Thủ tướng Nhật Y. Noda cũng nhấn mạnh, Tokyo và Bắc Kinh cần tiến hành các cuộc đàm phán thông qua nhiều kênh khác nhau để đảm bảo không có tác động nào ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Căng thẳng lãnh thổ giữa 2 nước leo thang kể từ khi Chính phủ Nhật mua 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku một tháng trước. Cho đến nay vẫn không có dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ thay đổi lập trường của mình, trong khi những thiệt hại về kinh tế do tranh chấp gây ra đang ở mức báo động. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định rằng, những căng thẳng kéo dài giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ngày 11.10, tờ thời báo tài chính Bloomberg cũng dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng, Nhật Bản muốn đàm phán với Trung Quốc để cùng tìm ra giải pháp hạn chế những thiệt hại kinh tế phát sinh từ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku. Ông Noda cho biết: “Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, 2 nước phụ thuộc rất lớn vào nhau. Nếu mối quan hệ của chúng tôi nguội lạnh, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế, thì không chỉ một trong hai nước sẽ bị ảnh hưởng mà cả hai sẽ cùng bị thiệt”.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.