Ngôi đền ở Hải Dương thu hút đông đảo giáo viên, học sinh đến dâng hương
Ngôi đền ở Hải Dương thu hút đông đảo giáo viên, học sinh đến dâng hương
Nguyễn Việt
Thứ ba, ngày 03/01/2023 15:22 PM (GMT+7)
Hàng năm, ngôi đền này đã thú hút hàng trăm nghìn lượt giáo viên, học sinh trên khắp mọi miền đến dâng hương chiêm bái, báo công, trải nghiệm. Đó là đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở phường Văn An, TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Dịp giữa tháng 12, chúng tôi đã về đền thờ Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng, phường Văn An, TP.Chí Linh chứng kiến rất đông xe ô tô chở học sinh đến. Các đoàn học sinh đi theo sự hướng dẫn của các hướng dẫn viên du lịch.
Trò chuyện với anh Đỗ Thành Đạt, điều hành hoạt động trải nghiệm của Công ty Du lịch Trải nghiệm Xanh (TP.Hải Phòng), chúng tôi được biết, hiện tại trong chương trình học của học sinh ở các khối THCS, THPT hay tiểu học đều có chương trình đi học tập, trải nghiệm tại các di tích văn hóa lịch sử. Vì thế dịp cuối năm, các công ty du lịch phối hợp với các nhà trường tổ chức cho học sinh đi học tập, trải nghiệm.
Cũng theo anh Đạt, đền thờ thầy giáo Chu Văn An là điểm đến tâm linh vô cùng ý nghĩa. Vì nơi đây từng là nơi sinh sống, nơi thờ tự chính của nhà giáo Chu Văn An, người được suy tôn Vạn thế Sư biểu (người thầy của muôn đời). Do đó, đây là nơi để các học sinh đến làm lễ báo công, để cầu mong cho con đường học tập, thi cử được hiển đạt.
Chị Nguyễn Thu Huyền, nhân viên Ban Quản lý Di tích Chí Linh làm việc tại đền Chu Văn An cho biết, hàng năm, vào dịp diễn ra tuần lễ kỷ niệm ngày mất của thầy giáo Chu Văn An, nhiều trường học ở các tỉnh, thành hay tổ chức về dâng hương, chiêm bái, trải nghiệm.
Thầy Lê Trung Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ, nhà trường tổ chức cho hơn 1.000 học sinh đi tham quan đền thờ thầy Chu Văn An. Cuộc đời sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ người làm giáo dục và học sinh noi theo. Qua đó, các thầy cô, các học sinh có ý thức trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như ý thức học tập.
Thầy Lê Văn Chiển, Hiệu phó Trường THCS Thái Sơn, huyện An Lão, TP.Hải Phòng cho biết: "Thầy giáo Chu Văn An qua sử sách tôi cũng được biết là người thầy đầu tiên xây dựng nền học vấn nước nhà. Tại nơi đây, tôi thấy được khung cảnh rất trang nghiêm, thành kính trước tấm gương đức độ, công lao của Thầy".
Lần này, Trường THCS Thái Sơn tổ chức cho hơn 300 thầy, cô giáo và học sinh đi chiêm bái tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An.
Theo chị Nguyễn Thị Xuyến, Tổ trưởng Tổ Du lịch – dịch vụ, Ban Quản lý Di tích Chí Linh, những dịp cuối năm, ngày nào đền thờ thầy giáo Chu Văn An cũng đón 1 – 2 đoàn khách là các trường, thầy, cô và học sinh đến dâng hương. Còn hàng năm, đền thờ thường đón trên 300 đoàn các trường học trong cả nước, với hơn 10 vạn lượt giáo viên và học sinh đến học tập, trải nghiệm, báo công.
Đông đảo giáo viên và học sinh về trải nghiệm đền Thầy giáo Chu Văn An. Clip: Nguyễn Việt.
Thầy giáo được UNESCO vinh danh
Thầy giáo Chu Văn An (1292 – 1370) quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội. Thuở nhỏ, ông hiếu học và học giỏi. Lớn lên đi thi đỗ Thái học sinh nhưng ông không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Trường học của ông thu hút rất đông học trò đến xin theo học.
Tiếng về ông vang xa đến tận kinh thành, Vua Trần Minh Tông mời ông ra Thăng Long làm Tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho các Thái tử, hoàng tử và con các quan lại trong triều.
Ông có đức tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Lúc đó triều đình rối ren, tham quan, nịnh thần làm nhiều điều trái luân thường đạo lý khiến ông rất bất bình, căm giận bọn ninh thần đang làm loạn triều đình, hại dân, hại nước. Ông đã dâng "Thất trảm sớ" lên Vua Trần Dụ Tông xin chém 7 tên quan nịnh thần. Không được Vua chấp nhận, ông đã cáo quan về ở ẩn.
Ông tìm đến vùng núi Phượng Hoàng, Văn An, Chí Linh dựng nhà để ở. Hang ngày, ông lên rừng hái thuốc, chữa bệnh cứu người, mở lớp để dạy chữ cho dân trong vùng, làm thơ, viết sách để lại cho hậu thế.
Trong cuộc đời dạy học, Thầy giáo Chu Văn An đã đào tạo được nhiều học trò, trong đó có nhiều học trò đỗ đạt và làm đại quan trong triều như: Phạm Sư Mệnh, Lê Quát…
Khi mất, Chu Văn An được Vua Trần ban tước Văn Trinh Công và ban chữ tôn vinh "Vạn thế Sư biểu" nghĩa là "Người thầy của muôn đời" và cho đặt tượng thờ trong Văn miếu Quốc tử giám cùng với Khổng Tử. Ông được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là ông tổ của các nhà nho nước Việt.
Thạc sĩ Hoàng Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích Chí Linh cho biết: "Thầy giáo Chu Văn An được hậu thế kính trọng bởi Thầy đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học. Thầy có triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.
Tư tưởng của Thầy Chu Văn An không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của Thầy có giá trị vượt thời đại, gần với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay".
Ông Dũng cũng cho biết thêm, với những đóng góp cho nền văn hóa, giáo dục của nhân loại, Thầy giáo Chu Văn An đã được UNESCO vinh danh. Ngày 7/11/2019, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO khóa 40 đã thống nhất biểu quyết "Tổ chức lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An - Nhà sư phạm Việt Nam".
Như vậy, cùng với Danh nhân Văn hóa Thế giới, Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại thi hào Nguyễn Du thì Thầy giáo Chu Văn An là Danh nhân văn hóa thứ tư của Việt Nam được tổ chức này vinh danh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.