“Ngôi sao trên núi” dạy trẻ vùng cao vẽ: Khơi dậy tình yêu quê hương

Thiên Việt Thứ tư, ngày 30/07/2014 13:52 PM (GMT+7)
“Mountain star” là tên của một dự án lãng mạn mà ý tưởng và tài trợ của ông Quách Minh Huy (nhà sưu tầm tranh Đài Loan, chủ Gallery Fongya) nhằm dạy vẽ miễn phí cho trẻ em vùng cao Việt Nam.
Bình luận 0

Để các em tự tin hòa nhập

Khoảng tháng 10.2013, nhóm tiền trạm của dự án bắt đầu đặt chân lên huyện Quản Bạ (Hà Giang). Tại đây họ đi bộ, xe ôm, lội qua các suối xuống những bản ven biên gặp thầy cô giáo, học sinh để trao đổi nhằm khảo sát cho công việc.

Qua quá trình khảo sát, nhóm nhận thấy do đời sống vật chất nơi đây còn thiếu thốn nên một bộ phận con em các dân tộc thường thiếu tự tin, rụt rè khi giao tiếp với người khác. Bên cạnh đó, sự hạn chế về văn hóa khiến họ chưa nhận biết được sự cần thiết của việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bởi vậy, dự án quyết định sẽ chọn 3 xã tại đây để thực hiện ý tưởng. Sau gần 10 tháng đi lại, làm việc với cơ quan địa phương, trao đổi với nhà trường để tập trung các cháu, “Ngôi sao trên núi” được triển khai từ ngày 12.7 đến 19.7.2014. Theo kế hoạch, mỗi năm dự án sẽ thực hiện một lần vào thời điểm này ở các vùng cao.

Tham gia nhóm có 12 họa sĩ (thuộc nhóm Sơn Ta, nhóm Đen), 2 giáo viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, 5 nghiên cứu sinh nước ngoài (4 Trung Quốc, 1 Nhật Bản) và một nhà quay phim người Úc. Mục đích của dự án này nhằm dạy cho trẻ vùng cao khả năng thẩm mỹ, yêu thích hội họa, sự tự tin khi tham gia các hoạt động xã hội. Và trên hết là tạo cho các em tình yêu với thiên nhiên, với quê hương đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Qua hoạt động này cũng nhằm quảng bá phong tục tập quán các dân tộc ít người ở Cao nguyên đá Hà Giang.

Ông Quách Minh Huy là một nhà phê bình và sưu tầm tranh có tên tuổi của Đài Loan. Ông đã nhiều lần sang thăm Việt Nam, đi lên các tỉnh vùng cao để tìm hiểu, khám phá và rất yêu đất nước, con người nơi đây. Ông cũng là nhà tài trợ chính của “Ngôi sao trên núi”. Một người cộng sự đắc lực cho ông Huy là Quách Ngạn Vĩ- con trai ông, hiện đang là tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học làm việc tại Hà Nội. Theo anh Quách Ngạn Vĩ, tổng kinh phí chi cho dự án khoảng 300 triệu đồng.

Bài giảng chắp cánh ước mơ

Sau 1 tuần, dự án đã tổ chức lớp được 3 nơi: Trường Tiểu học xã Quản Bạ (80 em từ lớp 2 đến lớp 4); Trường Tiểu học xã Đông Hà (95 em lớp 2); Trường Tiểu học xã Quyết Tiến (50 em từ lớp 2-4). Các họa sĩ và cộng tác viên chia các em nhỏ thành từng nhóm nhỏ và mời các em nhỏ tự giới thiệu về bản thân mình, những sở thích cá nhân về gia đình bạn bè, những người thân thiết, ruột thịt. Các giáo viên sử dụng các bài vẽ mẫu, các bức ảnh chụp thiên nhiên Hà Giang, Cao nguyên đá..., từ đó khơi gợi những suy nghĩ cuộc sống tươi đẹp quanh các em. Bài học này giúp các em thấy rằng bản thân các em luôn được mọi người tôn trọng. Những ý kiến và tâm sự của các em đều được lắng nghe và quan tâm, các em có thể tự khẳng định bản thân mình và thể hiện tài năng của mình trước đám đông mà không ngại ngùng hay sợ hãi và tăng sự tự tin của các em khi giao tiếp với thế giới xung quanh.

Ngoài các buổi dạy vẽ, các họa sĩ còn giúp học sinh tự phát hiện khả năng tưởng tượng của mình để thể hiện mơ ước bay bổng trong những bức tranh. Các giáo viên cho các em xem tranh ảnh, nghe những bài dân ca về dân tộc của các em, những hình ảnh đẹp về trang phục dân tộc nhằm gợi ý sức sáng tạo cho các em. Như tại xã Quyết Tiến, nhóm đã mời 3 cụ cao tuổi người Tày hát những bài hát dân gian cổ cho các em nghe và yêu cầu các học sinh tưởng tượng rồi vẽ theo cảm nhận.

Nội dung các buổi học thường là dạy vẽ, dạy các trò chơi thẩm mỹ có tính sáng tạo. Giáo án dạy được họa sĩ Nguyễn Trường Linh- Chủ nhiệm khoa Mỹ thuật, giảng viên Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội và cũng là người trực tiếp phụ trách nhóm soạn. Kết thúc các khóa giảng, ban tổ chức còn có quà tặng cho các cháu thuộc diện gia đình khó khăn. Mỗi xã chọn 3 em hoàn cảnh khó khăn được trao quà. Họa sĩ Nguyễn Trường Linh kể: “Có lần cả đoàn vào nhà 1 em có hoàn cảnh khó khăn để trao quà, đi bộ 5km trong rừng, vắt rất nhiều. Đến nơi không gặp em, thế là đành để quà lại. Các bạn nước ngoài cũng đi cùng nhóm, lội suối, băng rừng mà không phàn nàn gì...”.

Ông Hang Tất Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ thấy lớp dạy bổ ích nên đã xin đoàn dạy thêm cho 100 học sinh của nhà văn hóa huyện. Các em học sinh sau khi tham gia khóa học rất vui và mong các thầy cô sẽ tiếp tục quay lại vào năm tới. Cô Nguyễn Thị Tuyến- Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đông Hà cảm động nói: “Các cháu ở vùng cao này rất thiệt thòi nhiều thứ trong đó có giáo dục, do không có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Việc dạy vẽ thế này mang lại không chỉ cho các cháu mà cả chúng tôi một niềm hạnh phúc lớn. Mong gặp lại các thầy cô nhiều hơn”.

Họa sĩ Trương Nhiệm (Trung Quốc) một nghiên cứu sinh trong đoàn cũng xúc động trao đổi: “Có dịp đi thế này thật bổ ích. Tôi cũng mong quê hương tôi rồi cũng sẽ có mô hình này cho các trẻ vùng cao như ở Hà Giang hiện nay”.

  Tháng 8.2013, khi Báo NTNN tổ chức nấu cơm cho bệnh nhân Bệnh viện K (Hà Nội), vốn là những người yêu thích làm từ thiện nên cả 2 cha con ông Quách Minh Huy đều đến tham gia nấu cơm và cùng vào phát cơm tại bệnh viện với các phóng viên của báo. Ông Huy và anh Vĩ cũng đã nhiều lần theo đoàn từ thiện của Báo NTNN đi đến các vùng xa xôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem