Trên vũ đài thời Trung Hoa Dân Quốc, có một nhóm những người phụ nữ thông minh tài sắc đến nỗi người đời sau vẫn còn ngưỡng mộ. 5 người họ có thể là gương mặt nổi bật trong lĩnh vực xã hội ủng hộ nữ quyền, là nữ minh tinh sáng chói trên sân khấu, là nhà thơ hay họa sĩ xuất sắc.
Trương Ái Linh
Trương Ái Linh tên khai sinh là Trương Anh, bút danh Lương Kinh, quê ở Phong Nhuận, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Bà là một nhà văn nữ hiện đại, bắt đầu thành danh vào những năm 1940 với sự giúp sức của biên tập viên Chu Sấu Quyên. Ông đã trở thành hậu thuẫn cho Trương Ái Linh, giúp bà nổi tiếng tại Thượng Hải với các tác phẩm như Tình yêu khuynh thành, Kim tỏa ký, Bán sanh duyên,...
Trương Ái Linh mang vẻ đẹp tinh tế lại rất quý phái, bà rất thích khoác lên người những bộ sườn xám lộng lẫy và gây ấn tượng với công chúng qua những câu nói về tình yêu nổi tiếng như: "Tôi tin vào con người, nhưng tôi không tin vào bản tính của họ", "Không yêu thì sẽ nuối tiếc cả đời nhưng yêu rồi là cả đời đau khổ", "Khi bạn mỉm cười, cả thế giới cùng cười với bạn; khi bạn rơi lệ, sẽ chỉ có một mình bạn khóc mà thôi".
Tận sâu trong xương tủy Trương Ái Linh toát ra một luồng khí chất lạnh lẽo độc nhất vô nhị, sự kiêu ngạo lạnh lùng và nét cô đơn khó tả. Năm 1955, bà đến Mỹ và không bao giờ trở lại Trung Quốc một lần nào nữa.
Năm 1995, Trương Ái Linh qua đời trong sự cô độc, nguyên nhân cái chết được xác định là do bệnh tật.
Lâm Huy Nhân
Tên khai sinh của bà là Lâm Huy Âm, nguyên quán ở huyện Mân Hầu, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Lâm Huy Nhân là một nhà thơ và kiến trúc sư nổi tiếng ở Trung Quốc và là người vợ đầu tiên của kiến trúc sư Lương Tư Thành.
Nhờ gia thế, sau khi học hết tiểu học và trung học cơ sở, Lâm Huy Nhân được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây tiến bộ khi đến Châu Âu học hành.
Bà có tài năng lẫn sắc đẹp, luôn toát ra khí chất của một người đẹp cổ điển, nụ cười duyên dáng khuynh quốc khuynh thành. Năm 19 tuổi, Lâm Huy Nhân đã tự tin biểu diễn kịch thơ bằng tiếng Anh.
Lâm Huy Nhân còn có tài năng đáng kinh ngạc, bà đã đạt được nhiều thành tựu học thuật to lớn về kiến trúc của Trung Quốc cổ đại, đồng thời cũng đặt nền tảng khoa học vững chắc cho quá trình nghiên cứu kiến trúc cổ đại ở quốc gia này.
Tạ Uyển Oánh
Tạ Uyển Oánh được biết đến nhiều hơn với bút danh Băng Tâm, quê gốc ở Trường Lạc, thành phố Phúc Châu, tỉnh phúc Kiến. Bà là một nhà thơ, tác giả văn học hiện đại, tản văn và văn học thiếu nhi, nhà phiên dịch và là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Bút danh của bà lấy cảm hứng từ câu thơ "Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ", tạm dịch là "Một mảnh lòng băng tại ngọc hồ". Bà được người đời sau gọi là "Lão nhân của thế kỷ".
Mặc dù Băng Tâm luôn cho rằng mình không có chút gì tao nhã hay xinh đẹp nhưng người xung quanh luôn đánh giá cao vẻ ngoài lẫn tài năng của bà.
Lục Tiểu Mạn
Lục Tiểu Mạn có tên khác là Tiểu Mi, Tiểu Long, xuất thân từ Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Nếu so với các tài nữ cùng thời, gia thế của bà không hề thua kém bất cứ ai.
Không chỉ được biết đến như một nữ họa sĩ thời cận đại, Lục Tiểu Mạn còn có khả năng viết lách rất tốt. Sớm tiếp thu văn hóa phương Tây, bà trở thành một phiên dịch ngoại giao cho các chính khách thời bấy giờ.
Vẻ ngoài xinh đẹp, cá tính hoạt bát và tài năng hơn người của Lục Tiểu Mạn đã khiến nhiều người đàn ông chú ý, tuy nhiên cuộc đời của bà gần như chỉ gắn liền với nhà thơ đa tình Từ Chí Ma.
Thịnh Ái Di
Thịnh Ái Di là nữ doanh nhân Trung Quốc đầu tiên trong ngành giải trí, có quê gốc ở huyện Vũ Tiến, Thường Châu, tỉnh Giang Tô và là con gái thứ 7 của nhà tư bản lớn nhất Thượng Hải lúc bấy giờ Thịnh Tuyên Hoài.
Từ nhỏ bà đã rất thông minh lanh lợi, hiểu biết sâu rộng, là đứa con được Thịnh Tuyên Hoài yêu thương nhất. Khi lớn lên, nhờ theo học trường Đại học St. John's ở Thượng Hải (trường học của người Anh) mà bà đã thành thạo loại ngôn ngữ này. Ngoài ra, bà còn có thể vẽ tranh, thêu thùa và viết chữ rất đẹp. Chưa tròn 20 tuổi, bà đã nổi danh khắp Thượng Hải.
Xinh đẹp và tài năng đến thế nên ít ai tin rằng, Thịnh Ái Di đã bị một người đàn ông phụ bạc đến tận 10 năm. Dù là người đầu tiên đứng lên đấu tranh vì nữ quyền ở Trung Quốc nhưng đến những năm cuối đời, Thịnh Ái Di đã sống trong bi kịch thê thảm. Bà qua đời năm 83 tuổi, trước lúc mất, bà vẫn cố gắng chuẩn bị trang phục gọn gàng, gương mặt vẫn trấn tĩnh và khoan thai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.