Người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, đa số đến viện muộn
Người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, đa số đến viện muộn
Diệu Linh
Chủ nhật, ngày 06/11/2022 06:05 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Hội Đột quỵ Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Đáng nói, tỷ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện trong giờ vàng khá thấp.
Chỉ 33% người bị đột quỵ được đưa đến viện trong "giờ vàng"
Tại Hội nghị Đột quỵ quốc tế vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nghiên cứu về tình hình đột quỵ mới nhất tại Việt Nam cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%.
Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài là nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).
Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76% chảy máu não là 24%.
Nghiên cứu khảo sát trên 2.310 bệnh nhân bị đột quỵ tại 10 Trung tâm Đột quỵ trên cả nước. Đây là khảo sát về đột quỵ lớn nhất của chuyên ngành đột quỵ Việt Nam.
Theo PGS Tôn cho biết, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi bị đột quỵ là khá cao, gia tăng nhiều so với những năm trước.
Ngoài ra, tỷ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu vẫn còn thấp, mới có 33% số người được nghiên cứu. Trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu được điều trị tái tưới máu hoặc sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, sử dụng các dụng cụ cấy nối đường động mạch.
Cũng theo thông tin của PGS.TS Mai Duy Tôn, về các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là do tăng huyết áp, tại kết quả nghiên cứu này cho thấy có 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp.
"Chúng ta cần có chiến lược thay đổi lối sống, kiểm soát chỉ số huyết áp tốt để làm giảm nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai", PGS Tôn nhấn mạnh.
Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ
Cũng tại Hội nghị Đột quỵ quốc tế, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, theo con số thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.
"Con số này thật đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội", GS Thuấn nhấn mạnh.
Đột quỵ cũng góp phần vào gánh nặng bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (bao gồm: các bệnh về tim mạch trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp; Các bệnh về ung thư; Bệnh hô hấp mạn tính và Đái tháo đường.
Những việc không được làm khi sơ cứu cho người bị đột quỵ
"1. Không được tự ý điều trị cho người đột quỵ dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, cắt lễ… Vì những động tác này có thể làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
2. Không được cho người đột quỵ ăn uống để đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
3. Không được tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Bởi vì đột quỵ có hai dạng đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não, nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu thì khi ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tuột huyết áp, các tĩnh mạch càng thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong hơn.
Ngoài ra, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân dẫn tới đột quỵ, nhưng nó là sự ảnh hưởng của một quá trình dài.
Ở thời điểm đột quỵ do tắc mạch máu thì cơ thể sẽ có cơ chế tự động tăng huyết áp để bằng mọi cách “khơi thông” dòng máu. Nếu uống thuốc hạ huyết áp vào thời điểm này sẽ đi ngược cơ chế tự nhiên của cơ thể và làm mất thêm thời gian"
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức – Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.