Người chỉ huy của tiểu đội tỷ phú

Thứ bảy, ngày 24/03/2012 15:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xây trường mầm non trị giá 1 tỷ đồng tặng quê hương, bỏ ra 200 triệu đồng làm tường bao cho khu nghĩa trang quê nhà... Để có đủ điều kiện làm những việc nghĩa ấy, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồi đã cùng những người con của mình - cũng là lính Cụ Hồ -chiến đấu suốt hơn nửa thế kỷ để chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, giặc nghèo....
Bình luận 0

“Tiểu đội” nhà cụ Hồi

“Yêu lao động” hay “miệt mài với công cuộc xây dựng đất nước” là kiểu nói văn vẻ, còn ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, Hải Dương, người ta chỉ bảo “tham việc” khi nói về cụ Hồi. Khi tôi đến nhà, cụ Hồi - người đã gần 90 tuổi (sinh năm 1926) đang đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy công trình. Quệt mồ hôi rồi rửa tay, cụ vồn vã: “Tôi đang chỉ đạo mấy anh em thợ vét ao, xây bờ kè xung quanh cái ao cá. Xong ao là khu nhà thờ họ Nguyễn Văn của nhà tôi sẽ hoàn tất”.

img
Gần 90 tuổi nhưng cụ Hồi (trái) vẫn trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nhà thờ họ.

Trước khi công trình này được khởi công, năm 2009, cụ Hồi và các con bắt tay làm ngôi trường mẫu giáo khang trang cho xã. Mọi công việc, thiết kế, thuê thợ, vật liệu đều tự tay bố con ông làm, đến khi hoàn tất mới bàn giao cho xã để các cháu nhỏ có nơi học hành, vui chơi.

Rất “chuyên nghiệp” trong công tác từ thiện, người lính già cười vui vẻ: “Việc làm ấy là kinh nghiệm đáng quý đấy nhé. Nếu mình bàn giao tiền để xã làm, kiểu gì bà con cũng sẽ xì xào về chuyện “ăn thêm, ăn bớt”, làm thế vừa bận việc cho anh em cán bộ lại để họ bị mang tiếng dù họ cũng rất thực tâm”. Khi ngôi trường đầy nghĩa tình ấy đầy ắp tiếng trẻ thơ thì nhà thờ họ Nguyễn Văn mới bắt đầu được xây dựng và hiện đã cơ bản hoàn tất.

“Tiểu đội” bộ đội Cụ Hồ nhà cụ Hồi khá đông, ngoài cụ thì các con là Vinh, Quang, Quảng, Thành, Thắm, Oanh đều tham gia quân ngũ. Các thành viên “tiểu đội” này đã đi xuyên suốt nửa sau thế kỷ 20, cùng quân và dân cả lần lượt đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ và kẻ thù xâm lược biên giới phía Bắc. Khi hòa bình lập lại, đầt nước bình yên, cuộc chiến đấu với đói nghèo để làm giàu mới thực sự là hành trình nhiều thử thách với “tiểu đội” này.

Khát vọng mãnh liệt

Trước những năm 80 của thế kỷ 20, cùng chung với tình hình kinh tế đất nước khi ấy, việc làm giàu hay đơn giản chỉ là làm kinh tế để cải thiện đời sống gia đình là một hành trình khó khăn với bao rào cản. Khi cụ Hồi làm chủ nhiệm HTX may mặc Cẩm Chế, số đầu máy khâu đã là hơn 20 chiếc (con số nổi danh hàng tỉnh hồi ấy).

Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ được giao, ông chủ nhiệm còn là người có tư tưởng “hơi tham” theo đánh giá khi ấy. Chính sách “không cho máy nghỉ, không ngừng tay ta” bị khá nhiều lời bàn tán, nhưng cụ Hồi thậm chí còn làm việc thẳng với các đơn vị quốc phòng để có được các hợp đồng may áo cho bộ đội. Xã viên của HTX thay nhau làm việc, hết ca thì cho những người trong xã có nhu cầu thuê máy may theo giờ... Vất vả và có nhiều sáng kiến trong kinh doanh nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ, cụ Hồi vẫn thấy có rất nhiều rào cản trên con đường chiến thắng đói, nghèo.

Bây giờ, cụ vẫn nhận định: “Việc kinh tế trì trệ hồi đó được mọi người đổ lỗi hết cho cơ chế, mà cụ thể là cơ chế bao cấp. Riêng tôi thì lại thấy rào cản lớn nhất vẫn là tư tưởng làm kinh tế của mỗi cá nhân, không chịu tiếp thu và thử nghiệm những cái mới”.

Sau năm 1975, khi bặt tin cậu con trai Nguyễn Văn Quang (bộ đội đặc công), tưởng có chuyện không may, cụ Hồi đã một lần vào đến TP.Hồ Chí Minh tìm con. Thành phố phồn hoa cùng những tư tưởng kinh tế sáng tạo, mới mẻ của những người dân tại đây đã khiến cụ suy nghĩ rất nhiều. Chính vì thế, những năm cuối cùng của thời kỳ bao cấp, biết được rằng sự trì trệ kinh tế đến mức kiệt cùng ấy rốt cuộc sẽ mở ra một thời kỳ mới, cụ Hồi cùng anh con trai Nguyễn Mạnh Hà lại một lần nữa vượt Trường Sơn vào miền Nam làm ăn.

Vào miền Nam lúc ấy, 2 cha con chỉ mang theo một khát vọng làm giàu mãnh liệt chứ vốn liếng không có là bao. Họ khởi nghiệp với nghề mua bán phế liệu. Sau một thời gian một quyết định táo bạo của 2 cha con đã làm thay đổi cơ bản tình hình kinh tế gia đình. Tại miền Nam, chính xác là xung quanh Sài Gòn lúc ấy tồn tại vô số những lô cốt (trong Nam gọi là bốt) của giặc Mỹ trở nên vô dụng. Hai cha con cụ Hồi đã quyết định mua lại những chiếc bốt đó rồi phá đi lấy sắt thép. Sự lo xa và cẩn thận của quân Mỹ đã khiến những lô cốt của chúng thực sự là một mỏ sắt lớn...

Chiến thắng với “chất lính”

Khởi nguồn là thế và giờ đây, ông Nguyễn Mạnh Hà - người cùng cha đi mua sắt vụn năm nào đã trở thành chủ một doanh nghiệp sản xuất thép lớn. Những người con khác của cụ Hồi cũng lần lượt tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này. Gia đình của dòng họ Nguyễn Văn này đã trở thành một gia đình giàu có nức tiếng của địa phương và cũngvang danh vì những đóng góp cho quê hương phát triển.

"Những tố chất của một người lính: Tính kỷ luật, sự kiên trì, lòng can đảm cũng chính là chìa khóa để tôi và các con tôi thành công trên mặt trận mới - mặt trận làm kinh tế."

Cụ Hồi cho biết: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Những tố chất của một người lính: Tính kỷ luật, sự kiên trì, lòng can đảm cũng chính là chìa khóa để tôi và các con tôi thành công trên mặt trận mới - mặt trận làm kinh tế. Chính Quân đội nhân dân Việt Nam đã rèn luyện cho tôi và các con tôi những đức tính đó”. Anh Nguyễn Văn Thành - chủ đại lý sắt thép lớn tại Hà Nội tâm sự: “Với anh em chúng tôi, cha tôi luôn là người chỉ huy tối cao”.

Ngồi giữa căn nhà thờ họ khang trang, cụ Hồi dõng dạc đọc: “Trung với nước - Hiếu với dân -Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành...”. Rồi cụ hỏi tôi: “Anh biết bây giờ kẻ thù mà quân dân ta cần diệt ngay là cái gì không? Nó là giặc đói, giặc nghèo đấy anh ạ!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem