Người đại diện cầu thủ ở Việt Nam: Họ làm những công việc gì?

Thứ năm, ngày 14/03/2019 19:10 PM (GMT+7)
Bản tính hiền lành, cùng với việc ít phải va chạm của các cầu thủ lại khiến người đại diện cảm thấy mệt hơn so với khi làm... showbiz.
Bình luận 0

Làm người đại diện cầu thủ là một công việc đã khá phổ biến trên thế giới, nhưng vẫn còn lạ lẫm ở Việt Nam. Trong bóng đá hiện đại ngày nay, các cầu thủ, HLV thường tìm cho mình một người đại diện, nhằm có được sự hỗ trợ từ quản lý tài chính, giải quyết chuyện đời tư hay định hướng sự nghiệp...

img

Để các độc giả có được một cái nhìn rõ nét hơn về nghề đại diện cầu thủ ở Việt Nam, chúng tôi đã có một buổi phỏng vấn với chị Ngọc Đinh  - người đang đại diện của Mạc Hồng Quân (Than Quảng Ninh) và Phạm Đức Huy (Hà Nội FC).

Quản lý cầu thủ còn mệt hơn... sao showbiz

PV: Chào chị Ngọc Đinh! Chị bắt đầu công việc đại diện cầu thủ từ khi nào?

Cảm ơn vì đã chọn tôi cho bài phỏng vấn này. Nhưng phải khẳng định luôn rằng quản lý cầu thủ chỉ là công việc tay trái bởi nghề nghiệp chính của tôi là nhà báo.

Lý do để tôi bắt đầu làm việc với các cầu thủ là quãng thời gian cách đây hơn ba năm, khi Mạc Hồng Quân (tiền đạo CLB Than Quảng Ninh) qua một người thân đã tìm đến tôi và mong muốn được cùng làm việc.

img

Chị Ngọc (thứ hai từ trái sang) hiện đang làm đại diện cho cặp vợ chồng cầu thủ Mạc Hồng Quân - người mẫu Kỳ Hân.

Trước khi gặp, tôi chỉ biết cậu ấy là cầu thủ Việt kiều từng “làm mưa làm gió” với báo chí khi mới trở về nước và chơi trong ĐTQG. Lúc ấy, tôi thật lòng không biết Quân đang bị nhiều bà mẹ bỉm sữa lên án (họ lập những topic với hàng ngàn người để lên án cầu thủ sinh năm 1992 này). Thậm chí, cả truyền thông cũng “quay lưng” chỉ vì những câu chuyện đời tư không liên quan đến bóng đá.

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, Quân nói ít, dùng tiếng Việt chưa thuần thục, hiền và đáng tin. Đó là những cảm nhận ban đầu của tôi về bạn “gà” mới. Vì thế, tôi quyết định đứng bên cạnh, mục đích ban đầu là để giúp Quân giải tỏa những uất ức, những thông tin không đúng sự thật về nhân cách, lối sống… mà cậu ấy không biết làm thế nào để chia sẻ.

Trên thế giới, người ta vẫn biết đến hai “siêu cò” là Mino Raiola và Jorge Mendes. Vậy thực chất, làm đại diện cho cầu thủ bao gồm những công việc gì?

Bạn tin không, tôi còn chẳng biết hai cái tên vừa được nhắc đến. Tôi coi các cầu thủ của mình như những ca sĩ, hoa hậu... mà tôi từng quản lý.

img

Dù không phải người đam mê bóng đá, nhưng chị luôn tới sân để cổ vũ cho các cầu thủ của mình.

Việc của tôi không chỉ giải quyết khủng hoảng, thương lượng các hợp đồng thương mại, bảo đảm tính pháp lý mỗi khi có hợp đồng nào đó được ký kết… mà tôi còn như một người đồng hành đúng nghĩa: Hướng dẫn và chia sẻ với các em về văn hóa ứng xử, lối sống, kiến thức xã hội… sao cho cả trong và sau quãng thời gian làm việc cùng nhau, những bạn “gà” của tôi sẽ trưởng thành hơn, hiểu biết hơn.

Vậy làm người đại diện cho các cầu thủ có gì khác với các ca sĩ, hoa hậu, siêu mẫu hay không?

Có khác một chút, vì cầu thủ hiền hơn các ngôi sao hoạt động trong showbiz rất nhiều. Sự ít va chạm của cầu thủ khiến đôi khi tôi làm việc cũng… mệt hơn đấy. Nhưng chính vì sự thật thà của họ mà tôi thấy vui hơn, thấy cuộc sống được cân bằng hơn và thấy vai trò của mình có ý nghĩa hơn.

img

Chị Ngọc hạnh phúc bên cạnh những "gà nhà".

Ở nước ngoài, hai bên làm việc cùng nhau rất rõ ràng, chuyên nghiệp. Không có chuyện làm gì đó mà không có hợp đồng pháp lý. Các ngôi sao nào cũng rất hiểu giá trị của người đại diện và họ thường tuân thủ những cam kết một cách tuyệt đối.

Ở Việt Nam, đôi khi mọi người hay để tình cảm lấn át. Nhiều lúc, các ngôi sao không hiểu hết những lợi ích mà người đại diện mang lại. 

Trong những gì vừa chia sẻ, có khác biệt nào làm khó chị không?

Tôi quan niệm hơi AQ một chút: Điều quý giá nhất mà ai đó đã để mất là... để mất tôi (cười).

Tôi làm việc gì và đối xử với ai cũng tận tâm, cho nên nếu có chuyện gì đó xảy ra tôi cũng vui vẻ với hai chữ "Hết Duyên". Tôi còn nhiều việc phải làm và nhiều người cần tôi. Tôi coi công việc đại diện cho người nổi tiếng là nghề “nâng cánh chim bay”.

Khi họ đủ trưởng thành, hoặc không còn cần đại diện nữa thì chúng tôi ngưng cộng tác. Tôi may mắn vì chưa từng chia tay ngôi sao nào trong… nước mắt cả. Chúng tôi thường rất vui vẻ và nhiều người sau đó vẫn tìm đến mình để hợp tác trong những dự án khác.

img

"Tôi coi công việc đại diện cho người nổi tiếng là nghề nâng cánh chim bay”.

Chưa nói xong, Đức Huy đã... cãi xong

Số lượng người hâm mộ Đức Huy tăng vọt sau những thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018. Công việc của chị chắc hẳn là vất vả hơn rất nhiều?

Tôi nhận lời làm việc cho tiền vệ Phạm Đức Huy sau khi chàng trai này từ Thường Châu trở về. Lúc đó, Huy cùng đồng đội được cả đất nước tung hô như những người anh hùng. Chính Mạc Hồng Quân đã gợi ý Đức Huy là nên tìm đến tôi để hợp tác.

Ngay từ đầu, khi chúng tôi cùng làm việc thì số lượng fan của Đức Huy cũng như các tuyển thủ khác đều tăng chóng mặt. Tuy nhiên, anh chàng này hiểu rất rõ và luôn phân biệt rạch ròi đời thực và thế giới ảo.

Vất vả không phải do công việc, mà lúc mới bắt đầu hợp tác, Đức Huy luôn thể hiện là kiểu người xù xì, bất cần, cục tính và luôn nói tất cả những gì mình nghĩ ngay cả trong lúc nóng giận mất kiểm soát.

Quản lý chưa nói xong đã cãi xong. Đó mới là điều khiến tôi vất vả bởi bản tính rồi không dễ gì thay đổi. May quá là hóa ra cãi vẫn cãi nhưng vẫn âm thầm thay đổi, học hỏi và khác đi một cách tích cực mỗi ngày.

img

Chị luôn coi những thân chủ của mình giống như những thành viên trong gia đình.

Đức Huy là một chàng trai tình cảm, biết trước biết sau chứ không như phát ngôn nhả nhớt, bất cần trên mạng xã hội. Huy hiểu những gì tôi làm cho bạn ấy nhưng hình như chưa bao giờ nói gì đó tình cảm… mà thường biến thành hành động luôn.

Giống như hôm sinh nhật tôi, Huy nhắn: “Em đặt bánh sinh nhật nhưng vội quá cho nên không lấy được. Áo hơi chật thì cố giảm cân đi mà mặc. Giày thể thao ấy mặc với cái gì cũng được, chạy đi bộ, đi làm, bổ trợ cho việc giảm cân. Em cảm ơn chị, chẳng vì cái gì cả, chỉ cảm ơn thôi. Chúc chị tuổi mới mạnh khỏe và mãi hạnh phúc. Sống vui vẻ với mọi người, với Bee, với em như này”. Tôi đã khóc khi đọc tin nhắn của cậu ấy!

Đại diện cầu thủ vẫn còn là một công việc còn khá mới tại Việt Nam. Theo chị một người để có thể làm đại diện cầu thủ thì cần những yếu tố nào?

Có văn hóa, có kiến thức xã hội, kiến thức nền tảng để tạo dựng và phát triển hình ảnh. Kiến thức bóng đá không hiểu thì học nhưng nếu thiếu hiểu biết xã hội và thiếu văn hóa thì không thể đại diện cho bất kỳ ai, nhất là với những tâm hồn như tờ giấy trắng của cầu thủ.

Quan trọng nhất khi làm việc gì, đó là hãy coi đấy là việc của mình, phải nhớ rằng nếu làm sai thì ảnh hưởng đến mình, chứ không chỉ riêng người mình đang đại diện. Tôi luôn nói với họ: “Cứ tập trung chơi bóng đá cho tốt đi, những việc khác đã có quản lý lo”.

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện với chúng tôi!

Duy Anh (Goal/VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem