"Người dân đổ ra đường đông nghẹt ở Hà Nội chơi Trung thu khó chấp nhận"

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 22/09/2021 11:14 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân Hà Nội đã quá chủ quan, rất dễ lây lan dịch bệnh khi tràn ra đường chơi Trung thu trong khi toàn TP vẫn giãn cách theo Chỉ thị 15.
Bình luận 0

"Người dân đổ ra đường tại Hà Nội đi ngược lại chủ trương giãn cách xã hội"

Ngày 21/9 là ngày đầu Hà Nội áp dụng Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND TP về việc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Nhiều hoạt động dịch vụ được phép mở cửa, không kiểm soát giấy đi đường sau 60 ngày giãn cách.

"Người dân đổ ra đường đông nghẹt ở Hà Nội chơi Trung thu rất khó chấp nhận" - Ảnh 1.

Dòng người đông nghịt đổ ra đường Hà Nội tối ngày 22/9 ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Chương

Tối cùng ngày, lượng người xuống đường chơi Trung thu tăng đột biến, dòng người chen chân đổ dồn về hồ Gươm. Một số tuyến đường như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Cân, Đinh Tiên Hoàng dày đặc, thậm chí ùn ứ. Theo ghi nhận, nhiều người không đảm bảo quy định 5K theo khuyến cáo của TP Hà Nội để phòng chống dịch.

Về vấn đề này, sáng 22/9, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng: "Việc người dân đổ ra đường đông như tối ngày 21/9 tại Hà Nội rất khó chấp nhận, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương giãn cách xã hội, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà thành phố đang thực hiện".

"Người dân đổ ra đường đông nghẹt ở Hà Nội chơi Trung thu rất khó chấp nhận" - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: "Việc người dân đổ ra đường đông như tối ngày 21/9 tại Hà Nội rất khó chấp nhận, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương giãn cách xã hội, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà thành phố đang thực hiện". Ảnh: Ngọc Hải

Theo ông Phu, số ca mắc ngoài cộng đồng chưa thể tìm ra hết. Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0, để dịch bùng lên lại thì rất khó truy vết, vô cùng tai hại. 

"Chúng ta nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết", ông Phu cho hay.

Ông cho hay, khi thành phố nới lỏng giãn cách thì chính quyền, người dân, cơ quan chức năng càng phải cảnh giác cao độ, tuân thủ nghiêm 5K của Bộ Y tế, hạn chế đến mức thấp nhất việc gặp gỡ, tụ tập và nên ở trong nhà.

"Người dân đổ ra đường đông nghẹt ở Hà Nội chơi Trung thu rất khó chấp nhận" - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. Ảnh: Bộ Y tế

"Theo tôi, ngành y tế thành phố cần chỉ đạo rà soát ngay trường hợp ho, sốt từng đi chơi Trung thu vào đêm qua để sàng lọc. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có biện pháp quản lý, điều tiết người ra đường hợp lý ở các tuyến trung tâm, hạn chế tình trạng tụ tập đông người tái diễn như thời điểm tối 21/9", ông Phu nói.

Cùng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh "Đây là những trường hợp mất kiểm soát, vi phạm quy định giãn cách".

Theo ông Hùng, việc tập trung quá nhiều người ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ có nguy cơ rất lớn vì thủ đô chưa loại hết được F0 ngoài cộng đồng.

"Dịch đùng một cái có thể xảy ra như ổ dịch ở phường Việt Hưng, quận Long Biên hay ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai… Thành phố vừa xét nghiệm cho toàn dân rồi nhưng vẫn xuất hiện ca bệnh chứng tỏ ngoài cộng đồng vẫn còn những ca nhiễm.

Thứ 2, người Hà Nội đa phần được tiêm vaccine nhưng hầu hết mới tiêm trong vòng ít ngày qua, và mới 1 mũi, cùng với đó 100% trẻ em chưa được tiêm. Tập trung đông người mà đặc biệt là rất nhiều trẻ em như vậy vô cùng nguy hiểm", ông Hùng nhấn mạnh.

"Nên triển khai 'thẻ xanh' cho những người ít nguy cơ"

Theo ông Hùng, việc để dân tập trung đông như vậy chứng tỏ một điều thành phố không có biện pháp dự báo trước. Việc hàng vạn người ra đường nếu phạt hay trách người dân rất khó. Hiện tại, Hà Nội vẫn trong lộ trình nới lỏng giãn cách, ông Hùng cho rằng phải quy định rõ trường hợp nào được đi, nơi nào được đến, nơi nào được làm việc trước… 

"Phải có lộ trình cụ thể dựa trên bằng chứng khoa học chứ không phải bằng thiết chế về hành chính.Ví dụ những hoạt động sản xuất kinh doanh, vui chơi ngoài trời nên mở trước. Hoạt động mở phải cam kết đảm bảo an toàn, giãn cách… 

"Người dân đổ ra đường đông nghẹt ở Hà Nội chơi Trung thu rất khó chấp nhận" - Ảnh 4.

Trẻ nhỏ theo chân cha mẹ đi chơi Trung thu rất nguy hiểm trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ảnh: Nguyễn Chương

Người ít có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng nhất thì được nới lỏng trước như: người được tiêm vaccine đủ 2 mũi, người bị nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh hết thời gian cách ly, người xét nghiệm âm tính. Lộ trình mở rộng dần nhưng phải kiểm soát chặt. Nếu không làm rõ ràng từng đối tượng cụ thể sẽ có thể dẫn đến một số khu vực mất kiểm soát, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch", ông Hùng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Hà Nội nên có phương án tăng mức độ bao phủ vaccine mũi 2. Trong lộ trình này vẫn phải kiểm soát người đi lại. Kiểm soát bằng cách đánh giá những người có nguy cơ thấp thì được đi lại, làm việc sản xuất trước.

"Tóm lại nên triển khai 'thẻ xanh' cho những người ít nguy cơ trong đó có người được tiêm 2 mũi vaccine, người đã mắc Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, người có xét nghiệm âm tính.

Những người chưa được tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể làm việc, vẫn có thể đến những nơi có nguy cơ nhưng phải xét nghiệm. Những người làm việc trong những khu vực nguy cơ vẫn phải có thẻ xanh kể cả nhân viên y tế, những đối tượng phòng chống dịch. 

Nếu không đủ điều kiện đó không cho trực tiếp tham gia công tác điều trị, chống dịch. Thế mới đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Tỉ lệ thẻ xanh nếu khi nào đó 70-80% bỏ", ông Hùng nêu. 

Ông cho rằng, việc thực hiện "thẻ xanh" nhiều người đừng nghĩ mất công bằng mà thế mới đảm bảo công bằng vì mục đích kiểm soát bằng thẻ để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. 

"Thẻ này rất đơn giản vì có trong hệ thống sẵn, ai khỏi, ai đã tiêm vaccine thì đều được cập nhật rất dễ quản lý, ai chưa tiêm vaccine phải xét nghiệm. Các tỉnh khác cũng nên triển khai như vậy chứ không riêng gì Hà Nội nếu không giá trị nới lỏng giãn cách không có ý nghĩa nhiều. Không thể để tình trạng người đã tiêm 2 mũi vaccine, xét nghiệm âm tính mà vẫn phải cách ly 14 ngày khi vào tỉnh này, tỉnh kia như vậy phản khoa học, áp dụng quá mức chúng ta không thực hiện chủ trương từng bước mở cửa sống chung với Covid-19 được", ông Hùng chia sẻ.

Cùng với đó, những người có thẻ xanh vẫn phải tuân thủ biện pháp 5K, ai vi phạm vẫn bị xử phạt nghiêm. Như thế mới hạn chế được dịch bệnh, lượng người an toàn ra đường tăng dần lên. Thúc đẩy tiêm vaccine nhanh hơn nhưng vẫn phải hoạt động sản xuất được chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem