Theo thống kê của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong khu vực ASEAN, Singapore, Thái Lan và Việt Nam là 3 quốc gia đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2017, tỷ lệ dân số già đã đạt mức 7% và dự báo sẽ đạt mức 14% vào năm 2034. Khi đó, Việt Nam sẽ được coi là “quốc gia già”.
Như vậy, thời gian chuyển đổi cơ cấu dân số từ khi bất đầu già cho tới khi già của Việt Nam chỉ 17 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác, như Thái Lan là 20 năm, hay Nhật Bản là 25 năm.
Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nhóm dân số trong độ tuổi thiếu niên 0-14 tuổi và tỷ lệ dân số trong độ tuổi sản xuất 15-59 tuổi đang bắt đầu giảm. Để duy trì được quy mô dân số, mức sinh thay thế cần đạt là 2,1, trong khi mức sinh thay thế hiện tại chỉ đạt 1,95. Tỷ suất sinh này tại các thành phố lớn còn có xu hướng thấp hơn nhiều.
2/3 số người cao tuổi ở Việt Nam gặp ít nhất một khó khăn về vận động. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cũng theo đánh giá của JICA, dân số già một mặt được coi là thành tựu của mức sống được cải thiện và sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, việc già hóa còn kèm theo sự gia tăng các bệnh mãn tính và các bệnh không lây nhiễm, như ung thư, tim mạch, tiểu đường. Việc này đòi hỏi chi phí điều trị tốn kém và thời gian điều trị kéo dài.
Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có nhiều chính sách hướng dẫn triển khai hỗ trợ tài chính, khám chữa bệnh cho người cao tuổi như trợ cấp sinh hoạt, miễn giảm viện phí, vé đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng… Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề cần xem xét nhằm đáp ứng việc chăm sóc người cao tuổi trong xã hội.
Cụ thể như, người già ở Việt Nam khi mắc bệnh thường được điều trị, chăm sóc tại nhà, tuy nhiên, chi phí điều trị tại nhà chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Hay như việc khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm bệnh, việc phục hồi chức năng cho người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng cũng không nằm trong danh mục được bảo hiểm. Điều này đặt ra thách thức lớn cho việc chăm sóc người cao tuổi khi mắc trọng bệnh và cần quá trình hồi phục lâu dài.
“Một đặc điểm nữa của Việt Nam là người cao tuổi khi bị đau yếu thường được chăm sóc tại gia đình, tuy nhiên, sự gia tăng của mô hình gia đình hạt nhân và xu hướng ly hương đi tìm việc ở các thành phố lớn khiến việc chăm sóc tại gia đình ngày càng khó khăn hơn”, đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam nhận định.
Việt Nam chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Ảnh: Nguyên Vỹ
Vừa phải lọ mọ bắt xe lên TP.HCM khám bệnh, cụ Nguyễn Thị Hồng (62 tuổi, ngụ huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), chia sẻ, tại địa phương, cụ Hồng có tham gia Hội Người cao tuổi, nhưng, hoạt động của Hội cả năm gần như không có gì. Những cụ cao tuổi, neo đơn… (phải trên 80 tuổi) mới thỉnh thoảng được các em thanh niên tình nguyện ghé thăm, tặng ít quà bánh, gạo, dầu ăn…
Cụ Hồng cũng cho biết, cụ bị bệnh xương khớp đã nhiều năm, thường xuyên đau nhức, đi lại khó khăn, gần đây nhất, cụ lại thêm chứng trào ngược dạ dày nhưng khám chữa ở địa phương không khỏi. Cụ Hồng quyết định lên TP thăm khám. Tuy nhiên, do “tự ý lên TP khám bệnh” nên cụ không được giải quyết chế độ bảo hiểm y tế.
“Tối hôm trước, tôi còn bị nôn ra máu, đau ruột dữ dội, nhưng hoàn cảnh neo đơn, con gái lấy chồng xa, con trai đi làm trên thành phố nên phải chờ đến 2 ngày sau mới đi bệnh viện được. Tưởng như phải về với tổ tiên rồi!”, cụ Hồng buồn bã nói.
Phần lớn người cao tuổi sống ở vùng nông thôn không có tích lũy hay thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyên Vỹ
Còn cụ Huỳnh Thị É (73 tuổi, ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) không có người thân, con cái nên sống neo đơn trong căn nhà tranh dột nát nhiều năm. Cụ É có 2 sào ruộng trồng lúa, nhưng do tuổi cao, không còn sức để canh tác nên đã “gửi nhờ” hàng xóm làm. Mỗi vụ, cụ xin vài chục kg lúa để ăn và nuôi gà bán lấy tiền.
Tiền trợ cấp xã hội của Nhà nước mỗi tháng chủ yếu đủ để bà É trả tiền đi bệnh viện, thuốc men. Bà còn không dám thắp đèn điện, sợ không trả nổi tiền điện. Hiện nay, tay chân bà run rẩy, nên việc đi lại khó khăn, mỗi lần cần ra trạm xá hay qua bệnh viện huyện phải tự đi xe đạp rất khó khăn.
“Có lần trước bà còn bị té, trời mưa nên bị té trong lúc đi khám bệnh ngoài trạm xá về. Sau lần đó, bà sợ rồi nên giờ chỉ toàn đi bộ hoặc nhờ người trong xóm chở đi giúp. Mà nhờ thì vài lần thôi chớ đâu nhờ nhiều được”, bà É lo lắng.
Không có thu nhập tích lũy, người cao tuổi ở Việt Nam phần lớn vẫn phải lao động kiếm sống hoặc phụ thuộc vào con cái, họ hàng. Ảnh: Thuận Hải.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà thừa nhận, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014, và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, phần lớn các chính sách đối với người cao tuổi hiện mới chỉ chú trọng tính trợ cấp, cứu trợ, còn hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho người cao tuổi còn mang tính phong trào. Các yếu tố, điều kiện cho sự phát triển ngành công tác xã hội chuyên nghiệp còn thiếu như khung pháp lý, các phương pháp khoa học, đội ngũ nhân lực nòng cốt…
Do đó, để ứng phó với già hóa dân số, việc hoàn thiện hệ thống chính sách trợ cấp xã hội và hoàn thiện các chương trình cung ứng dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc người cao tuổi là rất cần thiết, nhằm đảm bảo an sinh và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi.
Hiện nay, cứ 10 người dân thì có 1 người cao tuổi. Tới năm 2035, cứ 5,4 người dân thì có 1 người cao tuổi. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết cho Việt Nam là phải thiết lập được một hệ thống an sinh xã hội toàn diện và bền vững để chăm sóc người cao tuổi.
Khoảng 54,6% người khuyết tật là người từ 60 tuổi trở lên và hơn 2/3 người cao tuổi gặp ít nhất một khó khăn về vận động, phổ biến là ngồi hoặc ngồi xổm, bước lên hoặc xuống cầu thang, đứng dậy khi đang ngồi.
Dự báo cho thấy, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi cần chăm sóc do bị ảnh hưởng bởi ít nhất một chức năng thể chất hoặc tinh thần sẽ tăng từ 2,5 triệu người năm 2019 lên tới hơn 10 triệu người vào năm 2049.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.