Người Hà Nội đội mưa lớn đến chùa Phúc Khánh dự đại lễ Vu lan
Người Hà Nội đội mưa lớn đến chùa Phúc Khánh dự đại lễ Vu lan
Gia Khiêm
Thứ năm, ngày 11/08/2022 21:50 PM (GMT+7)
Mặc dù trời mưa lớn nhưng tối ngày 11/8 (14 tháng 7 âm lịch), rất đông người dân Hà Nội đã đến chùa Phúc Khánh dự đại lễ cầu siêu, Vu lan và Báo ân cha mẹ.
Tối 11/8, rất đông người dân đã đội mưa tầm tã đến chùa Phúc Khánh, Hà Nội, hành lễ, vái vọng ngoài cửa ngày đại lễ Vu Lan. Mặc dù trời mưa lớn nhưng nơi đây rất đông người lui tới.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, bên trong khu vực nhà chùa nhiều người vái vọng, tụng kinh, dự đại lễ cầu siêu, phả độ gia tiên. Đây cũng là dịp đại lễ vu lan, báo ân cha mẹ… Do khuôn viên nơi diễn ra đại lễ không gian có hạn nên nhiều người phải ngồi bên ngoài khuôn viên chùa vái vọng.
Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ngày lễ Vu lan của đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày rằm tháng 7 âm lịch hình thành lễ Vu lan - báo hiếu.
Đội mưa lớn đến chùa Phúc Khánh dự lễ, bà Nguyễn Thị Mai (ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, năm nào mỗi dịp rằm tháng giêng, rằm tháng 7 âm lịch gia đình bà đều lui tới đây dự đại lễ.
"Lễ Vu Lan mang ý nghĩa lớn là báo ân cha mẹ, đồng thời còn dạy con người ta nhớ về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn. Tôi đến đây cầu mong mọi người trong gia đình sức khoẻ, luôn bình an", bà Mai nói.
Cũng như bà Mai, chị Lê Ngọc Lan (35 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, từ khi còn nhỏ chị đã được cha mẹ dạy những hiếu hạnh của đạo làm con, cháu. Chính vì vậy mỗi dịp Vu Lan chị lại bồi hồi nhớ tới những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ.
"Gia đình tôi cũng đã chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên xong. Tôi đến chùa cầu mong gia đình luôn bình an, công việc hanh thông và mọi người trong nhà thật nhiều sức khoẻ", chị Lan bày tỏ.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, mùa Vu Lan báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.
"Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì vậy, đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng 7 âm lịch hằng năm", Thượng toạ nói.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là dịp để chúng ta nghĩ đến "tứ đại ân" nghĩa là ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội.
"Trước hết, mỗi người cần thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy tri ân các anh hùng dân tộc đã hy sinh, hãy là những người công dân tốt. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những người dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, đạo đức cho chúng ta trong cuộc sống. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, chẳng hạn như trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua, đã có biết bao bác sỹ, chiến sỹ tuyến đầu vất vả ngày đêm.
Chúng ta cần tri ân họ sâu sắc. Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan của Đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng 7 âm lịch (xá tội vong nhân) hình thành lễ vu lan báo hiếu", Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ.
Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đây cũng là dịp diễn ra nhiều hoạt động tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…, lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sỹ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu, nghi thức "Bông hồng cài áo" tri ân công đức sinh thành của cha mẹ, nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sỹ và cửu huyền thất tổ, chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.