Người Nepal phẫn nộ vì chính phủ ứng cứu chậm chạp

Phương Đăng Thứ ba, ngày 28/04/2015 19:00 PM (GMT+7)
Nỗi đau cũng như sự tuyệt vọng của nhiều người dân Nepal đang chuyển thành cảm giác giận dữ và thất vọng bởi phản ứng chậm chạp và lúng túng của chính phủ trong việc khắc phục thảm kịch động đất kinh hoàng hôm 25.4, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người.
Bình luận 0
img
 Nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Nepal hôm 25.4 được đánh số nằm bên ngoài một bệnh viện ở Kathmandu.
Tờ New York Times dẫn lời anh Sridhar Khatri, người sống sót qua trận động đất mạnh 7,9 độ richter khiến thủ đô Kathmandu rung chuyển hôm 25.4 cho biết: "Tại khu tôi sống, rõ ràng không nhìn thấy bóng dáng của lực lượng cảnh sát hay cứu hộ".
 
Hãng tin Reuters đưa tin, nhiều người dân Nepal đang phẫn nộ với chính phủ, đã tự mình lao vào đào bới các đống đất đá, bê tông từ các tòa nhà bị sập, thậm chí bằng tay không để tìm kiếm người thân.

"Chúng tôi phải tự cứu mình chứ không thể ngồi chờ ai đó đến cứu giúp. Tay chúng tôi chính là công cụ", anh Pradip Subba, 27 tuổi vừa tuyên bố vừa đào bới để tìm thi thể của anh trai và chị dâu bị chôn vùi trong đống đổ nát của tháp Dharahara, Kathmandu. Di tích lịch sử có từ thế kỷ 19 này bị sập trong trận động đất, chôn vùi rất nhiều người đang tham quan ở đây.

Chàng thanh niên Subba nói với Reuters rằng, anh cùng một nhóm người nữa, dùng khẩu trang bịt miệng và mũi để giảm bớt mùi tử thi, tay không bới các đống gạch đá và bê tông.

"Người của chính phủ và quân đội còn chưa tới đây để giúp chúng tôi", anh Subba bức xúc.
img
Một người đàn ông Nepal ngồi trên đống đổ nát cúi đầu, đau buồn trước thảm họa động đất vừa giáng xuống quê hương.

Rất nhiều người đã mất mạng khi tham quan tòa tháp cổ trong khi chính phủ Nepal tỏ ra lúng túng và phản ứng chậm chạp với việc khắc phục hậu quả động đất, dấy lên sự phẫn nộ và sự trích của nhiều người dân.

"Chính phủ chẳng giúp được chúng tôi gì hết. Chúng tôi đang phải đào bới đống đổ nát bằng bàn tay trần", anh Anil Giri vừa nói vừa cùng một nhóm khoảng 20 tình nguyện viên ra sức đào bới để tìm những người bạn của họ được cho là đang bị chôn vùi trong đống gạch vụn.
img
Thất vọng trước sự chậm trễ của chính phủ, người dân Nepal tự mình đào bới đống gạch vụn bằng tay không để cứu người bị chôn vùi.

Người đứng đầu lực lượng Khắc phục Thiên tai Ấn Độ (NDRF), một trong những tổ chức đầu tiên hỗ trợ Nepal, ông  OP Singh cho biết việc tìm kiếm các thi thể và dọn đống đổ nát sẽ mất nhiều thời gian. Thách thức hiện nay là lo nước sạch, lương thực, chỗ ở và phòng dịch bệnh cho những người sống sót.

"Cần phải dọn dẹp những đống đổ nát này. Việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian. Tôi cho rằng, phải mất đến vài tuần", ông  OP Singh nhấn mạnh.

Về phần mình, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala hôm nay nhấn mạnh, chính phủ sẽ nỗ lực hết sức trong công tác cứu hộ.

 "Chính phủ đang làm mọi điều có thể để tìm kiếm và cứu hộ" nạn nhân của trận động đất, Thủ tướng Sushil Koirala tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Nepan Bam Dev Gautam thừa nhận, chính phủ đang phải trải qua "khoảng thời gian khó khăn để đối phó với cuộc khủng hoảng do trận động đất kinh hoàng ngày 25.4 gây ra, trong điều kiện các nguồn lực vô cùng hạn chế".

"Chúng tôi đã không chuẩn bị cho một thảm họa quy mô như thế này. Chúng tôi không đủ nhân lực và cần thời gian để tiếp cận các nạn nhân", ông Gautam nói.

img
Người bị thương được đưa ra khỏi đống đổ nát.

 

Đồng thời, ông Koirala nhấn mạnh, đây là thời khắc thách thức và vô cùng khó khăn đối  với Nepal. Ông cũng cho biết, số người thiệt mạng vì động đất ở nước này có thể lên tới 10.000 người và kêu gọi quốc tế hỗ trợ lều bạt, thuốc men, nguồn nhân lực cho chính phủ Nepal.

CNN dẫn số liệu do nhà chức trách Nepal công bố hôm nay cho biết, số người chết do trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Nepal hôm 25.4 đã lên đến hơn 4.400 người. Số người bị thương là hơn 8.000.

Liên Hợp Quốc ước tính có 8 triệu người cùng hơn hai triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi trận động đất, trong đó 1,4 triệu người đang cần được hỗ trợ về lương thực. Hiện có nhiều tổ chức và chính phủ từ 16 quốc gia viện trợ và cử người đến hỗ trợ cho Nepal, tuy nhiên khó khăn vẫn chồng chất.

Theo một số báo cáo, những khu vực gần tâm của trận động đất đang phải đối mặt với nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn.

Thủ đô Kathmandu trong cảnh tan hoang, tuy nhiên còn ở những nơi xa hơn, bên ngoài thành phố, tình  hình được dự báo có thể cũng tệ hại không kém.

Nhiều cộng đồng ở những nơi hẻo lánh, vùng núi cao bị tàn phá nặng nề nhưng việc tiếp cận các khu vực này hiện gặp rất nhiều khó khăn bởi đường sá bị chia cắt, giao thông tắc nghẽn, hệ thống thông tin liên lạc không ổn định.

Hôm nay, chính phủ Nepal cũng đã tuyên bố ba ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân động đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem