Người phụ nữ gặp lại gia đình sau 24 năm lưu lạc

Nguyễn Quỳnh Thứ ba, ngày 21/07/2020 06:08 AM (GMT+7)
Có những cuộc hội ngộ không báo trước, có những niềm hạnh phúc vỡ oà trong khó khăn, nghịch cảnh. Và, có những phận đời lưu lạc được trở về cố hương sau hàng thập kỷ, khi mẹ già đã ở tuổi cổ lai hy… như trường hợp của bà Trần Thị Huệ (58 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội).
Bình luận 0

Phép màu trong khu cách ly Covid-19

Đầu tháng 7/2020, nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn báo em gái Trần Thị Huệ còn sống và đang điều trị trong khu cách ly Covid-19 dành cho người trở về từ nước ngoài, ông Trần Thế Nguyên (62 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) không tin vào tai mình. Sau gần 25 năm, gia đình ông gần như đã từ bỏ hy vọng có thể gặp lại người em gái thất lạc, không một tin tức gì từ tháng 9 (âm lịch) năm 1995.

Ngày 17/7, ông Nguyên cùng gia đình người em gái từ Hà Nội lên Lạng Sơn từ sáng sớm. Dù đã chắc người sẽ gặp lại là em gái mình, nhưng hơn hai thập kỷ đã trôi qua, người phụ nữ trẻ trung ngày nào đã trở thành một bà lão với thân hình gầy guộc, mái tóc cắt ngắn điểm hoa râm... khiến lòng ông Nguyên thắt lại.

Người phụ nữ gặp lại gia đình sau 24 năm lưu lạc - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Huệ hội ngộ với gia đình tại khu cách ly. Ảnh: Q.N

"Mỗi dịp lễ tết, giỗ chạp quây quần chúng tôi chẳng ai nhắc tới Huệ vì sợ mẹ buồn, dù thâm tâm ai cũng rất nhớ thương em. Anh em máu mủ ruột rà, không thương nhau sao được...".

Ông Trần Thế Nguyên

Bác sĩ Lưu Hải Châu (40 tuổi) - điều dưỡng trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, xúc động nhớ lại: Khi người nhà đến nơi, bà Huệ chưa nhận ra ai, kể cả người em gái thân thiết có mặt ngay lúc đó. Theo người nhà chia sẻ: "Lúc Huệ mất tích, em gái tên Trần Minh Hà mới 17 tuổi, bây giờ hình thức đã khác nhiều. Phải một lúc lâu sau, bác sĩ hỏi có nhận ra em Hà không thì Huệ tủm tỉm cười, lúc ấy mọi người tin chắc rằng chị Huệ đã nhận ra người thân của mình. Rồi, Huệ quay sang gọi "anh Nguyên", lúc ấy cảm xúc của tất cả mọi người như vỡ oà. Các bác sĩ và người nhà đều rơm rớm nước mắt".

Theo bác sĩ Châu, bà Huệ được Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận trong tình tình trạng vô thức, không giao tiếp với ai. Khi được cung cấp đồ ăn và đồ dùng cá nhân, bà không ăn mà ném đi hết. Thấy tình hình không ổn, chị Châu nghĩ cách tìm người nhà cho bệnh nhân của mình.

Người phụ nữ gặp lại gia đình sau 24 năm lưu lạc - Ảnh 2.

Bà Huệ bên người mẹ 97 tuổi. Ảnh: Q.N

Ngày 3/7, sau khi được Công an tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trao trả về Việt Nam, bà Trần Thị Huệ (58 tuổi) đã được cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ngày 17/7, bà Huệ chính thức gặp lại người thân sau hơn 24 năm thất lạc và được gia đình đưa về Hà Nội.

Bà Huệ ở khu cách ly đến khoảng ngày thứ 5 bắt đầu tỉnh, bà nhớ được tên phường, quận nhà mình. Nhờ thông tin ít ỏi đó, bác sĩ Châu lên mạng tìm số điện thoại của tổ dân phố nhờ xác minh thông tin. Thật may, tổ dân phố đã rất nhanh chóng liên hệ được với gia đình bà Huệ. Một ngày sau thì anh trai bà Huệ đã liên lạc lại...

"Đây là trường hợp rất may mắn vì bệnh nhân vẫn nhớ được những chi tiết về gia đình. Có những trường hợp không biết gì hết, các bác sĩ phải tắm rửa cho, giúp ăn uống, hết thời gian cách ly thì buộc lòng phải giao về các trung tâm bảo trợ xã hội. Trường hợp của chị Huệ khiến chúng tôi cũng như vỡ oà vì hạnh phúc. Chú Nguyên bảo: Châu ơi, may thế, mấy chục năm mẹ tôi, các em tôi héo hon vì nghĩ Huệ đã mất rồi!" - bác sĩ Châu chia sẻ.

Có lẽ, trong suốt 24 năm, ông Nguyên là một trong số ít người vẫn tin bà Huệ còn có mặt trên cõi đời. Người mẹ già đã 97 tuổi của ông gần như ngày nào cũng mang ghế ra đầu ngõ ngồi ngóng đợi điều gì đó, nhưng hễ ai nhắc đến Huệ bà cụ đều nói "Nó tự tử mất rồi!".

"Tôi linh cảm rằng trước sau cũng tìm được em, tôi không nghĩ rằng Huệ đã tự tử. Khi nghe thông tin của Huệ, tôi rất vui và mong thông tin đó là chính xác. Vẫn bán tín bán nghi, tôi nhờ các bạn ở Lạng Sơn xác minh, sau đó bác sĩ ở bệnh viện chụp và gửi cho tôi ảnh thì tôi nhận ra ngay, Huệ giống hệt bố tôi, từ mắt - mũi - miệng, dù em đã có tuổi và gầy đi nhiều…" - ông Nguyên xúc động kể.

Vui mừng xen lẫn cả day dứt, hờn tủi. Cuộc sống những năm 1990-1995 khó khăn đến mức ngạt thở. Đó là khi con trai ông Nguyên mắc trọng bệnh, cháu qua đời không lâu sau khi người cô mất tích. Gánh nặng cuộc sống cuốn con người vào vòng xoáy của nó, đến nỗi khi một phần máu mủ đột nhiên mất tích, mấy anh em ông Nguyên cũng không biết phải làm sao ngoài mong sớm có ngày gặp lại…

Truân chuyên một kiếp má hồng

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyên kể trong sự xót xa về cuộc đời của người em gái lưu lạc đã phải chịu vô vàn những đắng cay. Huệ đã một lần lỡ dở hôn nhân, một lần mất con và rồi lại trao thân gửi phận cho kẻ không xứng đáng.

Theo lời ông Nguyên, ngoài 20 tuổi, bà Huệ lấy chồng nhưng cuộc hôn nhân sớm tan vỡ. Người con duy nhất sinh ra chưa được bao lâu cũngqua đời, Huệ bị sốc nên tâm lý bị ảnh hưởng, bắt đầu có những biểu hiện bất thường.

Sau những biến cố đó, bà Huệ về ở với bố mẹ đẻ ở phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), hàng ngày đi buôn bán rau, đậu ngoài chợ. Cũng có thời điểm, bà Huệ mang bánh mỳ ra bán tại bến xe Long Biên.

Một thời gian sau, Huệ bắt đầu qua lại với một đối tượng có nhân thân bất hảo. Theo ông Nguyên, việc bà Huệ theo người xấu đi biệt tăm biệt tích cũng bởi hoàn cảnh bí bách khi bà thường xuyên bị người này đánh đập, hành hạ. Thậm chí, vì thương em gái, có lần ông Nguyên đã báo công an bắt kẻ hành hung bà Huệ, nhưng chính bà Huệ lại xin cho người đó được tại ngoại.

"Cô Huệ lại yếu đuối chậm chạp, không biết bảo vệ mình. Huệ chăm chỉ, thật thà nhưng quá hiền lành, dễ tin người nên cuộc đời truân chuyên quá..." - ông Nguyên bộc bạch.

Về nhà được vài ngày sau gần 25 năm lưu lạc, bà Huệ dường như vẫn chưa quen với chính ngôi nhà của mình. Bà rụt rè, nhút nhát, ngại tiếp xúc với mọi người. Ấy thế, khi hàng xóm đến thăm hỏi, bà vẫn nhớ tên của những người hàng xóm từ nhiều năm về trước. Khi người quen ân cần hỏi chuyện, thấy quen thuộc, bà Huệ bắt đầu mở lòng, kể chuyện bị một người bạn rủ đi chơi. "Nó bảo đưa túi đây nó cầm cho, xong nó dẫn sang bên kia luôn. Ra bến xe, lên một cái ôtô to rồi đi xa lắm… Sang Trung Quốc, đi trồng cây, thu hoạch quả, ở nông trường có người quản lý. Không bị đánh, được ăn no…".

Khi được hỏi: "Thế đi có nhớ mẹ không?", bà Huệ cúi đầu, tay vân vê vạt áo thỏ thẻ: "Nhớ lắm"…

Đến thăm bà Huệ vừa trở về sau hơn 24 năm lưu lạc nơi đất khách, bà Đàm Thị Duệ (72 tuổi) - Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Thanh Lương khen: Cô Huệ vẫn xinh như ngày xưa!... Huệ cười bẽn lẽn.

"Ngày xưa cháu nó ngoan, xinh xắn, lấy chồng xong mất tích, cụ Niên (mẹ bà Huệ - PV) cứ khóc thương con. Cụ còn bảo chúng tôi thôi đừng cắt hộ khẩu của cháu nó, thế nên tôi vẫn để vì thương cụ có cô con gái mất tích. Trong sổ hộ khẩu của gia đình vẫn có tên cô Huệ. Thế nên ngày công an trên Cục Cảnh sát về hỏi, tôi vẫn công nhận có cô Huệ ở đây. Tôi sẽ làm đơn kiến nghị với phường, mong xã hội sẽ cùng chúng tôi chung tay hỗ trợ, giúp đỡ cho trường hợp chị Huệ" - bà Duệ chia sẻ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem