Người thân cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Bắc Ninh nộp lại 20,1 tỷ đồng "quà tặng", có được xem xét giảm nhẹ hình phạt?

Quang Trung Thứ ba, ngày 20/08/2024 06:22 AM (GMT+7)
Theo luật sư, việc vợ cựu Bí thư và cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh thay chồng nộp lại hàng chục tỷ đồng "quà tặng" được xem là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Bình luận 0

Vợ cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh nộp lại 20,1 tỷ đồng

Cơ quan điều tra Bộ Công an kết luận, vụ án vi phạm đấu thầu tại 6 bệnh viện huyện tại Bắc Ninh gây thiệt hại hơn 48 tỷ đồng. Hai nhóm doanh nghiệp trúng thầu gồm Công ty Sông Hồng và Công ty AIC sau đó hối lộ hàng chục tỷ đồng cho các quan chức Bắc Ninh. 

Quá trình điều tra vụ án, cảnh sát đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả vụ án. Các bị can trong vụ án đã nộp lại tổng cộng hơn 51 tỷ đồng.

Trong đó, vợ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã nộp số tiền 14 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Số tiền này gồm 4 tỷ đồng là số tiền hưởng lợi từ 6 gói thầu và 10 tỷ đồng, ông Chiến tự nguyện xin nộp để khắc phục hậu quả thiệt hại của vụ án.

Theo kết luận điều tra, vì động cơ vụ lợi, ông Chiến thống nhất chủ trương tạo điều kiện cho nhóm Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm Lã Tuấn Hưng (nhóm Công ty Sông Hồng) phân chia 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị ở 6 bệnh viện tuyến huyện.

Ông Chiến hưởng lợi bất chính 14 tỷ đồng gồm 4 tỷ đồng nhận hối lộ của AIC và Công ty Sông Hồng; 10 tỷ đồng là quà biếu của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - AIC vào các dịp lễ, Tết hằng năm, giai đoạn 2014 - 2020.

Cũng nhằm khắc phục hậu quả vụ án, vợ bị can Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã nộp 10,1 tỷ đồng, gồm 2 tỷ đồng là số tiền hưởng lợi từ 6 gói thầu; 8,1 tỷ đồng còn lại là tiền được AIC tặng, không phân tách được nguồn từ dự án hay gói thầu nào.

Người thân cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Bắc Ninh nộp lại 20,1 tỷ đồng "quà tặng", có được xem xét giảm nhẹ hình phạt?- Ảnh 2.

Theo cáo buộc, cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến (trái) và cựu Chủ tịch Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã 25 lần được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp, biếu tiền. Ảnh: Bộ Công an.

Tương tự, gia đình bị can Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi 750 triệu đồng. Gia đình bị can Nguyễn Hạnh Chung, cựu Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh nộp lại số tiền 600 triệu đồng….

Người vi phạm khắc phục hậu quả được xem là một tình tiết giảm nhẹ

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sau khi thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi bị đưa ra xét xử tại tòa, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình và có ý thức khắc phục hậu quả, việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn này được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả, người phạm tội mới thực hiện theo sẽ không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng. 

Đặc biệt, việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào, cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.

Theo luật sư Đồng, hiện tại, pháp luật không quy định rõ mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả là bao nhiêu, người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả phải tương xứng với thiệt hại gây ra cho bị hại, nếu vụ án có đồng phạm sẽ được phân hóa trách nhiệm hình sự.

Từ đó mức bồi thường, khắc phục hậu quả cũng sẽ tương xứng với vai trò của từng người trong vụ án, thì người thực hiện hành vi mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Tại điểm c, khoản 3, Điều 40, Bộ luật hình sự quy định về loại hình phạt tử hình rất rõ điều kiện về số tiền mà người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản (Điều 353), tội Nhận hối lộ (Điều 354), điều kiện để giảm án, để không bị thi hành hình phạt tử hình, người bị kết án phải chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Việc nộp tiền phải mang tính chất chủ động và ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, người bị kết án mới được giảm án từ tử hình xuống hình phạt nhẹ hơn.

Vì vậy, việc vợ cựu Bí thư và cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã thay chồng nộp lại hàng chục tỷ đồng "quà tặng" được xem là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem