Người tô thắm sắc đào ven biển

Thứ hai, ngày 07/01/2013 11:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tất bật tỉa cành, giữ thế cho hơn trăm chậu sanh; tuốt lá, đắp bồng, chau chuốt từng nụ đào vừa hé… công việc gần như nuốt trọn thời gian hàng ngày của ông Phạm Văn Toàn.
Bình luận 0

Trở về từ chiến trường, niềm vui đoàn tụ gia đình của ông Phạm Văn Toàn (thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, Nam Định) sau bao năm chiến trận rồi cũng qua đi bởi những khó khăn của cuộc sống ập đến trước mắt...

img
Ông Toàn chỉnh sửa một gốc đào. hồng châu

Mở đất ươm chồi

Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Toàn lập tức xắn tay đào ao, lấp đất mở rộng khu vườn cha ông để lại, đào thêm hệ thống kênh tưới tiêu, chăn nuôi lợn lấy phân chuồng, chặt cây ủ phân xanh bón cải tạo đất. Từ gần 2 sào vườn quanh năm chỉ trồng 2 vụ rau, giờ đây diện tích canh tác của nhà ông đã xấp xỉ 1,5 mẫu.

Cuối những năm 1990, khi phong trào trồng cây cảnh tại địa phương nở rộ, ông tìm hiểu, giâm chiết cành, tạo thế cho 2 loại cây chủ yếu là sanh và đào. Ông nghĩ, 2 cây này có thể sinh tồn với chất đất nơi đây. Vậy là, ông sớm khuya mày mò bưng gốc, uốn cành cho vài chục gốc sanh… Khi cây cao, ông chặt cành giâm tạo gốc mới. Cứ thế sau vài năm, ông có được vườn sanh vài nghìn gốc. Lúc này, những gốc sanh to, đẹp được trồng vào ang, chậu để dựng hình, tạo thế.

img Từ sáng đến tối mịt ông ấy ở ngoài vườn chăm lo cho các gốc đào, gốc sanh. Cô chỉ phụ ông làm cỏ, dọn vườn. Các em đi làm, lập gia đình ở xa, nhà có 2 ông bà già thôi. Khi cần mới phải thuê người đánh cây, vận chuyển. img

Bà Mão - vợ ông Toàn

Với đào thì phức tạp hơn, ông đặt mua hạt giống từ Sa Pa (Lào Cai), sau đó ươm cho giống nảy mầm. Khi đào lớn tầm ngang ngực, gốc to khoảng cổ tay là bắt đầu chiết ghép với gốc hoặc cành đào hoang dã từ các tỉnh miền núi phía Bắc mang về trồng. "Có hai cách ghép chính, đó là ghép mắt cây đào giống có hoa với gốc đào hoang dã, cách còn lại là ghép cành. Màu hoa đào phụ thuộc nhiều vào phương pháp chiết ghép này" - ông Toàn cho biết.

Đất biển nở hoa

Hiện, vườn cây cảnh của ông Toàn có 200 gốc đào và hơn 80 chậu sanh thường trực để bán với đủ tư thế, có giá từ 20-30 triệu đồng/chậu, chưa kể hàng trăm gốc đã được tạo thế đang trồng trong vườn. Những bồn sanh có giá trị cao, được khách mua quanh năm nhưng nhiều nhất là vào dịp tết. Bán đi chậu sanh nào, ông lập tức đánh từ vườn lên cây khác để thay thế.

Theo ông Toàn, khách mua ở khắp nơi, chủ yếu họ xuất sang Trung Quốc, còn trong nước thì vận chuyển tới các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế… Mấy năm trước "sốt" cây cảnh nên dù vất vả nhưng cũng cho ông khoảng 500-600 triệu đồng. Hai năm gần đây nhu cầu giảm nên thu nhập cũng giảm theo. Bán rải rác quanh năm được khoảng trên 300 triệu đồng.

Hiện 200 gốc đào đang ở chế độ chăm sóc đặc biệt để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Khoảng thời gian này tốn nhiều công sức nhất của những người trồng đào ở đây.

Ông cho biết, quá nửa số đào trong vườn đã được khách hàng đặt mua và gắn tên từ đầu tháng 10 âm lịch với giá 500.000-700.000 đồng/cây. Số còn lại khoảng 26-30 tháng Chạp thì bán cho khách gần với giá thị trường trên dưới 200.000 đồng/cây. Bình quân thu nhập một mùa đào khoảng 120 triệu đồng.

Ngoài sanh và đào, ông còn có 2 sào ao thả cá, trên bờ trồng mướp. Mùa mướp, mỗi ngày thu tới 300 quả, chưa kể các loại rau đậu, mồng tơi… mỗi ngày cũng mang về cho ông bà hơn 200.000 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem