Người Việt hạnh phúc vì quá lạc quan?

Thùy Anh Thứ hai, ngày 20/03/2017 13:56 PM (GMT+7)
Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3), TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện xã hội học Việt Nam) đã chia sẻ với phóng viên Dân Việt những quan điểm về hạnh phúc.
Bình luận 0

Nhiều năm nay, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có chỉ số hạnh phúc (Happy Planet Index, viết tắt là HPI) cao nhất thế giới do Tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội New Economics Foundation (Anh) công bố. Cụ thể, năm 2016, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp thứ 5.

Nói về chỉ số HPI của Việt Nam, TS Bình cho rằng, niềm hạnh phúc của người Việt càng tăng lên khi nó được cộng dồn. Ví như chỉ số hạnh phúc vì tự do, hạnh phúc vì được sống hài hòa thiên nhiên, hạnh phúc vì được dùng hàng giá rẻ… và một số điểm cộng khác mang giá trị tinh thần như, niềm tin, sự lạc quan.

img

TS Trịnh Hòa Bình

“Bàn về hạnh phúc có nhiều tầng lớp, nhiều cách tiếp cận. Ví dụ nhóm thu nhập thấp người ta chỉ cần tồn tại, đủ ăn, đủ mặc cũng đã cảm thấy hạnh phúc. Còn người thượng lưu, có thể với họ, nhu cầu sẽ phải cao hơn. Hạnh phúc có thể phải là có xe hơi, biệt thự…” – TS Bình phân tích.

TS Bình cũng cho rằng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam là cộng dồn rất nhiều chỉ số. Trong đó, có thể điểm cộng chính là chỉ số nhân văn và tinh thần lạc quan. Tương tự như chỉ số về phát triển nhân bản, Việt Nam cũng được cộng thêm chỉ số phát triển giáo dục, ổn định chính trị, cộng  thêm những giá trị nhân văn có tính chất truyền thống, nên mới vào top đầu.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng trong giai đoạn mới những thỏa mãn về cơ sở hạ tầng, thỏa mãn về khía cạnh vật chất và tinh thần mỗi ngày một phong phú, đa dạng hơn. Do vậy, đây cũng là thách thức không nhỏ ảnh hưởng tới chỉ số hạnh phúc.  

Có thể nói kết quả xếp loại phụ thuộc nhiều vào quan điểm tiếp cận. Nhưng nếu cộng dồn tất cả điều kiện như trên đã nói, đặt trong mối quan hệ của con người với thiên nhiên hướng tới sự phát triển bền vững nhân văn… thì thấy mức độ hạnh phúc người Việt cũng ở mức khá.

“Tuy nhiên, tôi thấy rằng nếu xếp loại Việt Nam ở top 5 nước dẫn đầu về chỉ số HPI thì hơi quá. Bởi có một số yếu tố về chăm sóc sức khỏe y tế, giáo dục, môi trường sống… của Việt Nam chưa sánh kịp với các quốc gia phát triển. Trong bối cảnh mới mà ta tiếp tục duy trì tinh thần lạc quan kiểu cũ, theo kiểu thỏa mãn thì không nên” – ông Bình nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem