Nguy cơ thiếu xăng do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất: Cần nhìn lại bài toán dự trữ

Thanh Phong Thứ tư, ngày 26/01/2022 15:33 PM (GMT+7)
Trước tình trạng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đang phải cắt giảm công suất sản xuất do thiếu tiền nhập dầu thô, nguy cơ thiếu xăng dầu cận kề trước thềm Tết Nhâm Dần 2022.
Bình luận 0

Nguy cơ thiếu xăng dầu

Mới đây, đại diện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết đang gặp những khó khăn về tài chính. Theo đó, đơn vị chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước đã phải cắt giảm 20% công suất so với sản xuất bình thường.

Nghiêm trọng hơn, khi báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền, nhà máy này cho biết có thể phải tạm dừng sản xuất từ giữa tháng 2 nếu tình hình tài chính không sớm được các bên liên quan tháo gỡ. Tình trạng trên dấy lên nhiều mối lo ngại về việc nguồn cung xăng, dầu trong nước.

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xác nhận thông tin trên. Đồng thời, ông Đông cho biết, để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương đã làm việc với lãnh đạo Lọc dầu Nghi Sơn và một số doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu trong nước.

Nguy cơ thiếu xăng do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất: Cần nhìn lại bài toán dự trữ - Ảnh 1.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất khiến nguy cơ thiếu xăng dầu cận kề. (Ảnh: Báo Công Luận)

Sau cuộc họp, Bộ Công Thương yêu cầu phía Nghi Sơn báo cáo về kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu (dầu thô), kế hoạch sản xuất như đã đăng ký.

"Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng phải báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối xăng dầu, nhằm tránh chuyện ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước chia sẻ thông tin.

Ngoài ra, với các thương nhân đầu mối xăng dầu khác, Bộ Công Thương yêu cầu họ có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Cũng theo thông tin từ ông Đông, Nghị định số 95 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, sửa đổi quy định về dự trữ xăng dầu theo hướng giảm số ngày dự trữ bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ 30 ngày xuống 20 ngày. Bổ sung trách nhiệm dự trữ đối với thương nhân phân phối thêm 05 ngày và của thương nhân sản xuất xăng dầu.

Cần tăng dự trữ

Nhận định về thị trường xăng dầu trong nước thời gian tới, giới chuyên gia nhận định, để đảm bảo chủ động nguồn cung, bình ổn giá cần tăng cường dự trữ và việc điều hành tránh lệ thuộc vào Quỹ bình ổn giá.

Giải thích về việc tăng cường nguồn dự trữ, Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, với tình trạng phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới, nền kinh tế của Việt Nam luôn ẩn chứa yếu tố bất ổn.

"Trong khi các nước luôn dự trữ trong nhiều tháng, Việt Nam chỉ có nguồn dự trữ xăng dầu khoảng 20 ngày. Những khi thị trường có biến động, họ đem lượng dự trữ ra để điều tiết thị trường. Cách điều hành thị trường xăng dầu trong nước cho thấy sự lúng túng, bị động. Ngoài ra, hiện tại, chúng ta có 2 nhà máy lọc dầu vẫn chưa tận dụng hết, đây là nguồn cung rất lớn nếu điều hành tốt sẽ không bị phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu", Chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.

Nguy cơ thiếu xăng do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất: Cần nhìn lại bài toán dự trữ - Ảnh 2.

Cần tăng cường dự trữ, chủ động nguồn cung trong trường hợp thị trường xăng dầu có biến động. (Ảnh: Petrolimex)

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia nhận định, các cơ quan quản lý cần có cơ chế mở rộng thêm đơn vị cung cấp xăng dầu. Thậm chí mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, tránh tình trạng "độc quyền", qua đó, giá xăng dầu sẽ cạnh tranh ở mức có lợi cho người tiêu dùng.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết thêm, quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải là "vô hạn". Do đó, việc trích lập và chi quỹ để sử dụng không phải là biện pháp mang tính ổn định, lâu dài.

"Thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ quỹ bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, nguồn quỹ không phải là vô hạn và khi công cụ bình ổn tỏ ra kém hiệu quả, cần có ngay giải pháp hỗ trợ về giá xăng dầu cho các doanh nghiệp ngành vận tải, khai thác… bằng cách giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay để có thể quay vòng hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp ở những địa bàn bị thiệt hại lớn do dịch vừa qua", ông Thịnh cho hay.

Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

Nhà máy này do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem