Nguy hại thực phẩm chức năng quảng cáo như thuốc đông y

Tuấn Kiệt Thứ bảy, ngày 27/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Vài năm gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải cảnh báo rất nhiều các trang mạng quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) nhập nhèm như thuốc đông y, có tác dụng chữa bệnh, lừa đối người tiêu dùng.
Bình luận 0

Theo bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng để quảng cáo thực phẩm chức năng. Thời gian qua Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp: ngoài xử lý theo quy định của Nhà nước, Bộ còn công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

"Chẳng hạn, sau khi phát hiện trang mạng vi phạm quảng cáo, yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Hoặc họ đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài. Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua "đất quảng cáo" trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết" - bà Nga cho biết thêm.

Nguy hại thực phẩm chức năng quảng cáo   như thuốc đông y - Ảnh 1.

Một trong hàng chục trang mạng quảng cáo thuốc đông y, thuốc nam chữa dứt điểm sùi mào gà, giang mai, lậu. Ảnh: I.T

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, TPCN vốn là một sản phẩm tốt, hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Ngoài ra sản phẩm có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật... TPCN tốt cho sức khỏe nhưng không phải thuốc chữa bệnh.

"Những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo vi phạm quy định. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và "thổi phồng" như thuốc chữa bệnh hiện nay gồm: Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan... Nếu người dân tin dùng các sản phẩm này, bỏ qua thời gian vàng để chữa bệnh sớm thì sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng"- PGS Phong cho biết.

Theo PGS Phong, người tiêu dùng khi có bệnh người bệnh nên tới bệnh viện, cơ sở y tế để được các bác sĩ khám bệnh và chỉ định phác đồ điều trị, không nên tự ý mua sản phẩm dựa trên thông tin quảng cáo. "Thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trước khi mua sản phẩm TPCN, người dùng nên tìm hiểu thông tin trên website các cơ quan nhà nước có thẩm quyền"- PGS Phong nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem