Nguyễn Quang Thạch: “Vinh danh hay không tôi vẫn bền bỉ đeo đuổi”

Mỵ Lương (Thực hiện) Thứ ba, ngày 05/09/2017 12:45 PM (GMT+7)
Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển Cộng đồng do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập với chương trình Sách hoá nông thôn mới đây đã được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với vị “hiệp sĩ” này.
Bình luận 0

“Giúp cho tất cả trẻ em nông thôn Việt Nam được nghe và đọc sách là mục tiêu của đời tôi” – Nguyễn Quang Thạch bày tỏ.

Cảm xúc của anh thế nào khi chương trình “Sách hoá nông thôn”  vừa được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh?

- Như tôi đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân, thập niên 1930, 1940, người lớn trong làng tôi thường nói với trẻ con “Học và hành thật nhiều để nhón chân bên hình chữ S chộ (thấy) bên tê là nước Mỹ”. Hàm ý của câu này, đặt trong hoàn cảnh làng tôi, nơi mà gia đình khá giả đắp nền nhà cao lên để tránh lũ, thì người ta muốn con cháu mình học giỏi để sánh bằng nước Mỹ. Sau 80 năm từ mong muốn của những người Tây học và tầng lớp trung lưu quê tôi, chúng ta không những còn kém xa nước Mỹ mọi mặt, mà còn phải học họ rất nhiều, những thứ cơ bản nhất.

Nhìn vào đó để thấy mình cần phải nỗ lực rất nhiều để giúp cho trẻ em nông thôn Việt Nam nói riêng và trẻ nói chung được đọc sách, tiếp cận tri thức như trẻ em Mỹ, Tây Âu thì mới mong đặt được nền tảng xây dựng một Việt Nam văn minh và sáng tạo được.

Đây là cơ hội để tôi được sang Mỹ kiểm thực chứng hệ thống thư viện của Mỹ cũng như văn hóa đọc của người Mỹ để chúng ta nỗ lực hơn trong những năm tới giúp cho nhiều trẻ em được đọc sách hơn. Thực ra, đây là cơ hội tốt để mình học người ta vì thực ra chúng ta đang quá yếu kém. Bây giờ thế kỷ 21 rồi, tôi và các thành viên Sách hóa Nông thôn mất 10 năm đi vận động (chưa kể 10 năm tạo lý thuyết), chứng minh với xã hội rằng, trẻ em thích sách, đọc sách. Tôi phải đi chứng minh việc rất hiển nhiên và phải đi kêu gọi bao nhiêu người tham gia một chiến dịch dài, kêu gọi, đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn, kêu gọi trên báo chí, truyền thông. Nhưng xem ra, nhận thức của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là nội ngành giáo dục vẫn chưa thay đổi như mong đợi, và hiện tại hơn 14 triệu trẻ em vẫn đang thiếu sách, nghe và đọc. Bởi vậy, các thành viên tiến bộ trong khu vực dân sự và chính quyền phải nỗ lực rất nhiều.

Đây là cơ hội để mình đi và tiếp tục học hệ thống thư viện của những quốc gia văn minh nhất thế giới.

Bản thân tôi cũng vui vì Chương trình Sách hóa nông thôn được hệ thống thư viện bậc nhất thế giới đánh giá. Người ta chuyên nghiệp, giỏi, có lịch sử hàng trăm năm đánh giá mình làm được chứng tỏ mình cũng có một phần giá trị nào đấy cho sự phát triển, phổ biến tri thức. Đặc biệt có thể thấy, các mô hình của Chương trình Sách hóa nông thôn có thể áp dụng cho nhiều quốc gia nghèo khác. Như bạn biết, Chương trình Sách hóa nông thôn đưa ra các mô hình thư viện giá rất thấp. Mỗi người dân nghèo một năm bỏ ra vài đô la là con cái họ đọc được hàng trăm đô la tiền sách. Như vậy, hầu hết nông dân nghèo trên thế giới có thể áp dụng và nhân rộng được.

img

Hình ảnh anh Nguyễn Quang Thạch trên đường xuyên Việt kêu gọi ủng hộ Sách hóa nông thôn. (Ảnh: NVCC)

Là người đi nhiều, biết nhiều và hiểu việc đọc sách, hệ thống thư viện của các nước phát triển, so sánh với môi trường Việt Nam, anh có đánh giá, nhận xét gì không? Phải chăng người nước ngoài thích đọc sách hơn người Việt? Và việc “Sách hóa nông thôn” ở các nước như Mỹ, Tây Âu… có dễ hơn là ở Việt Nam?

- Thực ra đây là nhận thức. Có hai phần nhận thức. Thứ nhất: Nước người ta tốt hơn mình do nhận thức về vai trò thư viện của các quốc gia tiên tiến văn minh cao, coi sách vở, thư viện là nền tảng phát triển quốc gia. Giống như ở Ba Lan, Anh…ngân sách ở thư viện mà bị cắt là người dân chúng phản đối ngay. Các lĩnh vực khác có thể cắt được nhưng riêng thư viện là không thể cắt được.

Thứ 2: Như trẻ em Tây Âu, một năm dành 12.000 phút đọc sách. 12.000 tương đương với việc trẻ em đọc 8.000 trang sách tương đương với khoảng 40 đầu sách, mỗi đầu sách dày 200 trang. Trong khi người Việt nói chung chỉ đọc 0,8 cuốn sách trên năm, còn các vùng nông thôn chúng tôi khảo sát thì trẻ em chỉ đọc 0,4 - 2 cuốn sách/năm, thua họ hàng chục lần. Như vậy, nhìn vào đó để thấy được rằng hệ thống thư viện của mình yếu kém. Việc mang sách đến cho trẻ em nhằm tạo cơ hội đọc sách. Việc khuyến đọc của Việt Nam mình rất yếu, cho nên, chúng ta phải tìm mọi cách để tạo ra sự thay đổi trong hiện tại và trong tương lai. Mình phải nhìn vào sự yếu kém, nhìn vào sự thật thì mới có thể thay đổi được.

img

Liên tiếp dành được những giải thưởng tôn vinh như: trở thành  chương trình  Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí,  vừa được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh… đây có phải là điều anh mong muốn, khích lệ anh tiếp tục sự nghiệp Sách hóa nông thôn?

- Đối với tôi, khích lệ chính là việc đứa trẻ nông thôn được nghe và đọc sách. Các giải thưởng  vừa khích lệ những người nông dân, người Việt trong và ngoài nước và chính quyền địa phương tham gia tạo nên hàng chục ngàn tủ sách, vừa dành cho những người Việt còn đang nghi ngờ, chưa thấy được giá trị của tri thức để họ thấy và hành động, tham gia vào quá trình xóa “nạn đói sách” ở nông thôn. Vinh danh hay không tôi vẫn đeo đuổi việc này một cách bền bỉ. Sự vinh danh đối với tôi chính là những đứa trẻ được đọc sách không phải là giấy khen hay một tấm huân chương.

img

Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh chương trình "Sách hoá nông thôn" của Nguyễn Quang Thạch.

Sau khi được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh, dự định sắp tới của anh là gì?

- Ngày 12.9 này, tôi sang Thái Lan được Viện nghiên cứu Châu Á của Đại học Chulalongkorn, Thái Lan để chia sẻ về việc xây dựng Chủ nghĩa tình nguyện vì một ASEAN quan tâm và chia sẻ. Tôi sẽ  đưa ra các kiến nghị cho các nước ASEAN về hệ thống thư viện dân sự, để các nước nghèo trong ASEAN phát triển hệ thống dân sự như một cách để thúc đẩy Chủ nghĩa tình nguyện ở Đông Nam Á.

Chúng tôi cũng đưa ra kế hoạch kêu gọi 10 triệu trẻ em Việt Nam dùng tiền mừng tuổi để mua sách. 10 triệu trẻ em nếu bỏ ra 100.000 đồng mua sách tính ra có 1.000 tỷ mua sách, chắc chắc giải quyết việc thiếu sách ở nông thôn sẽ rất  nhanh.

Ở nước mình có 18 triệu trẻ thì khoảng 10 triệu trẻ được mừng tuổi trong ngày Tết, vận động các con dùng tiền mừng tuổi mua sách, nếu có 1.000 tỷ mua sách thì chúng ta sẽ có từ 25 – 30 triệu đầu sách được mua bởi trẻ em nông thôn và đô thị mua; trẻ đô thị sau khi đọc xong thì chuyển về nông thôn thì hình thức giáo dục sự sẻ chia được thực chứng. Mua sách phục vụ chính mình tạo ra sự cân bằng, điều hòa việc chia sẻ sách trên toàn quốc và “nạn đói sách” ở nông thôn Việt Nam sẽ sớm được xóa. Như vậy,  14 triệu trẻ em nông thôn sẽ được nghe và đọc sách trong vài năm tới.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem