Nguyên quyền Chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia: ‘Nên có chính sách phù hợp khuyến khích công nghiệp ô tô’

Thứ ba, ngày 03/12/2019 08:00 AM (GMT+7)
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại, cần hỗ trợ những ngành công nghiệp cơ bản, then chốt như sản xuất ô tô.
Bình luận 0

Dưới đây là quan điểm của TS. Trương Văn Phước về vấn đề này.

Khuyến khích DN tiên phong bằng chính sách cụ thể

Hãng xe Việt VinFast vừa công bố bảng cơ cấu giá thành sản xuất xe. Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông nghĩ sao về động thái được cho là chưa từng có tiền lệ trên thị trường này?

- Thật lòng tôi cảm thấy rất ngạc nhiên trước việc một DN công khai bảng thông tin giá thành sản phẩm - những thông tin mà lẽ ra là bí mật của DN.

Tất nhiên đây mới chỉ là số liệu do chính VinFast công bố, chưa phải số liệu đã qua kiểm toán. VinFast sẽ phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của chúng bởi trước sau gì, như VinFast đã thông tin, các số liệu sẽ được kiểm toán trong nước và quốc tế xem xét. Nhưng tôi cũng đoán suy nghĩ của VinFast là “Vàng thật thì không sợ lửa”. Nếu như mình có ý định tốt, hoài bão lớn để xây dựng một ngành ô tô cho đất nước, trong nỗ lực cùng với các ngành khác để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp thì tôi cho rằng đây là một ý tốt, một nỗ lực minh bạch thông tin rất đáng ghi nhận của VinFast.

Cao hơn nữa, tôi cho rằng đây là một cách đi rất trực diện, một cuộc đối thoại trực diện với thị trường bằng một thứ ngôn ngữ im lặng là những con số trên bảng cơ cấu giá thành. Mục tiêu của cuộc đối thoại này là sự thấu hiểu và chia sẻ của khách hàng với con đường mà VinFast đang đi.

img

Ông thấy điều gì đáng chú ý trong bảng số liệu mà VinFast vừa công bố?

- Mỗi con số đều chứa đựng những thông tin riêng, nhưng tôi thấy đáng chú ý nhất là tỷ lệ thuế và mức chịu lỗ trên mỗi chiếc xe mà DN công bố.

Về thuế suất đánh lên mỗi chiếc xe, tôi cho là cao. Hiện nay, thuế nhập khẩu xe từ ASEAN đã về 0%, và trong tương lai khi đất nước hội nhập ngày càng sâu, chúng ta tham gia vào nhiều hiệp định về thuế quan, về mậu dịch tự do thì xe từ các thị trường khác vào Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, chính sách thuế với xe ô tô nói chung, trong đó có xe VinFast cần phải được xem lại. Trước hết là thuế tiêu thụ đặc biệt, theo tôi là phải giảm xuống.

Thứ hai, trong giá trị để tính thuế tiêu thụ đặc biệt, cần tách bạch rõ ràng đâu là những phụ tùng, thiết bị mà chúng ta nhập khẩu, còn đâu là do các DN trong nước tự sản xuất, để loại trừ phần đó ra khỏi tổng giá trị chiếc xe làm cơ sở áp thuế. Áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên cả chiếc xe như hiện nay theo tôi là không hợp lý.

Có làm được điều đó thì mới khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia vào ngành công nghiệp mà bấy lâu nay còn nhiều khó khăn.

 Còn con số về mức lỗ của VinFast thì sao thưa ông?

- Tôi cho rằng nhà đầu tư ắt hẳn đã tính đến kịch bản như thế thông qua chiến lược giá cũng như chính sách bán hàng. Thậm chí, như VinFast khẳng định, họ chủ động bù lỗ cho khách hàng. Thực tế, việc DN chịu lỗ trong giai đoạn đầu để làm thị trường cũng không phải là lạ. Nhưng mức bù lỗ trên mỗi chiếc xe mà VinFast công bố có thể xem là lớn. Câu hỏi đặt ra là nếu tình trạng lỗ đó tiếp tục kéo dài thì trong tương lai VinFast có tồn tại được hay không? Bản thân DN phải tính toán đến điều này.

Nhưng về phía Nhà nước, nếu để doanh nghiệp đi tiên phong gặp khó khăn đến mức phải rút ra khỏi thị trường thì sẽ làm hỏng nỗ lực đưa đất nước thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Người tiêu dùng chính là người hưởng lợi cuối cùng

Theo chia sẻ của lãnh đạo VinFast, hiện DN đang không nhận được bất kỳ ưu đãi nào đặc biệt về chính sách. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nhà nước phải thấu hiểu những khó khăn tất yếu mà người tiên phong sẽ gặp phải và xem đó như là đề bài để thiết kế các chính sách hỗ trợ. Sự hỗ trợ là chính sách tất yếu, không chỉ với ngành công nghiệp ô tô mà nhiều ngành công nghiệp khác nữa.

Một nền kinh tế phát triển hiện đại phải được xây dựng trên nhiều ngành công nghiệp. Các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển ngay tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đều có ngành công nghiệp rất mạnh, đặc biệt là công nghiệp ô tô.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách để đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó thì Nhà nước cần phải hỗ trợ cho những ngành công nghiệp rất cơ bản, rất then chốt, trong đó có sản xuất ô tô, bằng những chính sách phù hợp.

Xe ngoại nhập tràn vào nước ta ngày càng nhiều sau khi thuế nhập khẩu giảm. DN như VinFast đã chủ động đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí là chịu phần thiệt trong bán hàng. Theo ông, về phần mình, Nhà nước nên chung tay với DN như thế nào?

- Tục ngữ Việt Nam có câu “con khóc mẹ mới cho bú”. Những gì mình cảm thấy cần thiết thì cần đề đạt lên. Trong quá trình hoạt động, VinFast nên xác định đâu là những nhu cầu hết sức thiết yếu để kiến nghị với Nhà nước, thay vì đợi Chính phủ có một chính sách tổng thể cho cả một ngành công nghiệp cụ thể vì điều này khá khó khăn. Cần phải giải quyết trước, từng bước những vấn đề cụ thể, khả thi.

Tôi nghĩ nhân cơ hội VinFast công bố bảng giá thành chi tiết như thế thì những cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xem xét. Cụ thể là chính sách thuế. Suy cho cùng VinFast cũng không phải là đối tượng được hưởng lợi từ các khoản thuế này, mà người tiêu dùng mới là người được hưởng lợi cuối cùng.

Xin cảm ơn ông!

Minh Tuấn (ghi) (VietNamNet)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem