Nguyễn Tiến Linh: “Tôi từng không biết đá tiền đạo, 9 tuổi mới gặp lại mẹ”

Thứ ba, ngày 10/09/2019 16:10 PM (GMT+7)
Cú đúp vào lưới U22 Trung Quốc giúp U22 Việt Nam có chiến thắng thuyết phục 2-0 ngay trên sân khách giúp Nguyễn Tiến Linh một lần nữa được NHM nhắc tên. Gần như chắc chắn, chân sút của B.Bình Dương sẽ chiếm suất đá chính tại SEA Games 2019 cũng như VCK U23 châu Á 2020. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau tương lai đang rộng mở với Tiến Linh là tuổi thơ đầy dữ dội.
Bình luận 0

Người Hải Dương xa xứ

Tôi sinh ra ở Hải Dương. Nhưng suốt mười mấy năm qua, tôi nói giọng Nam trôi chảy và tốt hơn nhiều so với giọng Bắc. Tôi gọi cái bát là tô, gọi quả là trái, gọi gầy là ốm, gọi bóng là banh, gọi vào là zô… Nhưng tôi không gọi mẹ là má.

img

Mẹ xa tôi từ khi tôi mới lên 2 tuổi. Cuộc sống với đồng áng tại Hải Dương khi ấy không đủ để trang trải gia đình. Mẹ phải sang Hàn Quốc đi làm, kiếm tiền gửi về cho gia đình. Suốt 4 năm đó, tôi sống trong tình thương của bố. Để rồi một hôm trước khi tôi vào lớp 1, bố cúi xuống, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Gia đình mình vào Bình Dương, con nhé!”.

Tôi cô đơn. Bởi thời tiết, thức ăn đồ uống ở Bình Dương khác Hải Dương rất nhiều. Tôi học cấp 1 ở huyện Dĩ An, Bình Dương. Không còn những người bạn quen thuộc nữa. Hàng ngày tôi chỉ đi học rồi về nhà. Tôi mở những tấm ảnh cũ ra. Đó là ảnh của mẹ, của gia đình và cả lúc mẹ bồng tôi khi tôi còn đang thu mình trong tã. Tôi nhớ mẹ. “Mình không hợp nơi đây. Mình muốn về Hải Dương. Về ngôi nhà thân thuộc”, tôi đã khóc khi đó. Tôi không biết bao giờ mẹ mới trở về. Tôi hỏi bố. Nhưng bố cũng chỉ biết rập khuôn một lời động viên: “Rồi mẹ sẽ về”.

Một ngày nọ trên đường đi học về, tôi thấy tụi nhỏ chơi đá bóng. Bất ngờ trái bóng bay về phía tôi. Tôi né được. Một thằng đen nhẻm chạy đến, hất hàm:

- Linh, mày đá với tụi tao không? Đang thiếu người nè!

- Chơi! Sợ gì. Để tao bắt gôn cho.

Tôi bắt đầu với trái bóng như thế. Đó cũng là cách để tôi nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ.

img

Không biết đá bóng

Một ngày nọ, tôi tình cờ được chọn vào đội bóng nhi đồng huyện Dĩ An. Một hôm, đội thiếu tiền đạo, kêu tôi lên đá. Nhưng hỡi ôi. Tôi không biết đá trái bóng thế nào. Tôi đỡ hụt, rượt hoài theo bóng. Thầy lắc đầu thất vọng. Lúc ấy tôi chỉ muốn về nhà, không muốn thi đấu nữa.

Con đường từ sân bóng về nhà dài thườn thượt. Tôi nghĩ tiền đạo không hợp với tôi. Đang trong lúc buồn nhất, tôi bắt gặp ánh mắt đầy hồ hởi của bố đứng trước cửa nhà. Bố chạy ùa về phía tôi. “Linh, vào tắm rửa thay đồ nhanh đi con. Mẹ về kìa”.

“Sao ạ? Bố bảo sao?” Tôi không tin vào những gì mình đã nghe nữa. “Trời. Đá bóng nhiều ù tai hả con. Mẹ về. Ơ cái thằng này!”. Tôi không chờ bố nói dứt câu nữa. Tôi chạy ùa vào trong nhà. “Mẹ!!! Tôi lao đến, xà vào lòng mẹ mà òa khóc”. 9 tuổi, tôi mới được khóc ngon lành như thế. 9 tuổi, tôi mới được nũng nịu với mẹ.

Tập tạ, tập làm tiền đạo

Nhiều ngày sau đó, tôi cứ học xong là chạy ùa về nhà với mẹ. Tôi không còn nhớ đến bóng đá nữa. Tôi thích cảm giác được ngồi vào ghế, ăn cơm cùng món trứng hấp tuyệt ngon của mẹ. Nhưng những tâm sự trong suốt 7 năm tôi không được bên mẹ vẫn dẫn về một cái đích. Đó là bóng đá. Dù muốn hay không, cái cảm giác bồi hồi khi nhớ về những trận đấu trên sân đất trong tôi là thật sự.

Một bữa tan học, tôi đi qua sân bóng. Chứng kiến các bạn thi đấu làm tôi bồn chồn. Thầy nhìn thấy tôi bên ngoài sân. “Lại đây, Linh. Vào sân đi chứ còn đợi gì nữa?”. Tôi chỉ chờ có thế để ùa vào sân.

img

Sau đó, một giải đấu trẻ giữa các huyện được B.Bình Dương tổ chức. Tôi thi đấu cho huyện Dĩ An. Sau giải đấu đó, tôi bất ngờ nhận được giấy mời lên dự tuyển đội U13 B.Bình Dương. Lúc đầu, mẹ không cho tôi lên vì sợ tôi học dở đi, mà đá bóng thì vốn khổ cực. “Bố mẹ yên tâm. Con sẽ cố hết sức có thể. Bố mẹ sẽ tự hào vì con”, không hiểu sao tôi có thể nói những câu có phần sến sẩm thế. Nhưng chí ít, nó cũng giúp mẹ tôi xuôi lòng để cho tôi lên đội trẻ của Bình Dương.

Hồi ấy tôi rất gầy. Vì khi 14, 15 tuổi, tôi đã cao 1m74 mà chỉ nặng 54 kg nên càng bị đồng đội trêu chọc nhiều hơn. Tôi quyết định tập tạ. Cứ khi hết bữa cơm tối xong, tôi lại xuống phòng tập tạ. Nhờ vậy mà khi lên 16, tôi đã cao 1m78 và nặng 68 kg!

Những năm đầu ở Bình Dương, tôi đá tiền vệ biên. Thế rồi như một cái duyên định mệnh. Các tiền đạo trong đội bỗng dưng chấn thương hết. Tôi được kéo lên đá tiền đạo. Nỗi ám ảnh từ thời đá cho đội nhi đồng ở huyện tái hiện trong tôi. Tôi sợ rằng sẽ lại thêm một lần thất bại.

“Không! Nếu không muốn làm mẹ thất vọng. Mày phải cố lên”, tôi nhiều lần nhìn vào gương để tự động viên mình như thế. Tôi học cách anh Nguyễn Anh Đức thi đấu. Tôi nhờ các thầy hướng dẫn thêm cách đá của tiền đạo. Sau những buổi tập của đội, tôi và mấy người bạn nán lại tập thêm. Ngày qua ngày, tôi bỗng dưng đỡ được quả bóng gọn gàng, sút ngon lành vào cầu môn.

Tôi giành danh hiệu Vua phá lưới U19 Quốc gia 2015. Tôi được cùng U20 Việt Nam dự U20 World Cup 2017. Tôi được triệu tập lên U23 Việt Nam rồi ĐTQG. Chưa đủ. Tôi muốn làm được nhiều hơn thế. Tôi muốn cống hiến thật nhiều ở những đội bóng mà tôi tham gia. Để một ngày, tôi sẽ nói với mẹ rằng: “Mẹ hãy tin ở con. Con sẽ làm cho mẹ tự hào”.

VÀI NÉT VỀ NGUYỄN TIẾN LINH

- Ngày sinh: 20/10/1997

- CLB: B.Bình Dương

- Quê quán: Hải Dương

- Cao: 1m83; Nặng: 75 kg

Danh hiệu:

- Vua phá lưới U19 Quốc gia 2015

- Á quân U19 Đông Nam Á 2015, hạng Ba U19 Đông Nam Á 2016

- Cùng U20 Việt Nam dự VCK U20 World Cup 2017

Trí Công (Báo Bóng đá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem