“Nhà báo không thẻ” mang thương hiệu PX15

Bùi My Thứ năm, ngày 21/06/2018 07:08 AM (GMT+7)
“Không hiểu sao, lúc tác nghiệp trong đêm, trèo trên bờ tường, ghi hình bí mật, dù không có đơn vị nghiệp vụ đi kèm nhưng lại chẳng hề thấy sợ. Chỉ khi đã hoàn thành và chuyển tư liệu sang cho bên công an môi trường, lúc đó mới cảm thấy mình bạo gan thế nào”. Đó là lời chia sẻ về quá trình tác nghiệp của thiếu tá Nguyễn Chí Khánh, Đội phó Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Quảng Ninh.
Bình luận 0

“Nhà báo mang quân hàm”

Gần ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, tôi có dịp gặp gỡ thiếu tá Nguyễn Chí Khánh, Phòng PX15, Công an tỉnh Quảng Ninh. Khi trò chuyện, thiếu tá Nguyễn Chí Khánh rất gần gũi, luôn thường trực nụ cười, giọng nói hào sảng.

img

Thiếu tá Nguyễn Chí Khánh (người mặc sắc phục công an, cầm máy quay) trong một lần tác nghiệp.

Tôi được biết, thiếu tá Nguyễn Chí Khánh là người đã từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc Liên hoan truyền hình Công an nhân dân toàn quốc và Liên hoan truyền hình tỉnh. Nhưng khi được hỏi về những thành tích mà bản thân đã đạt được, vị thiếu tá với hơn 20 năm kinh nghiệm làm báo chỉ lắc đầu cười. Anh nói những thành tích của bản thân không quan trọng bằng những thành tích của tập thể Phòng PX15 đã đạt được, không đáng kể.

Thiếu tá Nguyễn Chí Khánh tốt nghiệp ngành báo chí của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi ra trường, thiếu tá từng làm báo ngoài 2 năm, sau đó chuyển sang làm báo trong ngành công an vào năm 1999. Nhớ lại những ngày đầu làm báo công an, thiếu tá chia sẻ, lúc đó có rất nhiều bỡ ngỡ, khác lạ. “Làm báo trong lực lượng công an khác với báo chí chính thống thông thường bởi phải đảm bảo tính bảo mật thông tin. Nếu một vụ việc chưa kết thúc điều tra thì không thể thông tin, đó là sự khác biệt cơ bản giữa báo chí công an với báo chí thông thường”.

Tuy mang quân hàm, nhưng công việc của những người công an như thiếu tá Nguyễn Chí Khánh không phải là trinh sát, điều tra tội phạm… mà là đồng hành cùng các đơn vị nghiệp vụ trong các chuyên đề, phản ánh một cách chân thực những hoạt động của cơ quan công an. “Công tác ghi hình của PX15 vừa phục vụ công tác tuyên truyền, vừa làm chứng cứ để phục vụ công tác điều tra, xét xử sau này”, thiếu tá Nguyễn Chí Khánh tự hào nói về công việc của mình.

Chứng cứ quý… từ những lần tác nghiệp bí mật

img

Thiếu tá Nguyễn Chí Khánh trong một lần tác nghiệp khác.

Thiếu tá Nguyễn Chí Khánh kể, công việc của PX15 không gặp nguy hiểm như những chiến sĩ công an làm nghiệp vụ khác nên cũng anh cũng không nhớ được mấy kỷ niệm khi tác nghiệp để kể cho tôi. Mãi sau, anh mới kể về lần phát hiện ra sai phạm trong quy trình sản xuất nước uống của Công ty Ga Quảng Phong vào năm 2008. Anh chia sẻ: “Cơ sở sản xuất nước luôn kín cổng cao tường, chỉ khi xe chở nước ra vào mới mở ra. Cũng nhờ sự giúp đỡ của người dân xung quanh, tôi trèo lên bờ mái hiên nhà để ghi hình bí mật cơ sở sản xuất. Toàn bộ quá trình từ súc rửa bình thô sơ, lấy nước từ giếng khoan cạnh rãnh nước bẩn thỉu, lọc nước hoàn toàn thô sơ, không qua quy trình lọc của nước ngoài như quảng cáo, đóng bình và tiêu thụ, tôi dùng một tuần để hoàn thành quá trình quay.”

Khi được hỏi về sự nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp, thiếu tá Khánh cười: “Không hiểu sao, lúc tác nghiệp trong đêm, trèo trên bờ tường, ghi hình bí mật, dù không có đơn vị nghiệp vụ đi kèm, thế nhưng lại chẳng hề thấy sợ. Chỉ khi đã hoàn thành và chuyển tư liệu sang cho bên công an môi trường, lúc đó mới cảm thấy mình bạo gan thế nào”.

Thiếu tá Khánh kể thêm, đã có lúc anh được điều đi tác nghiệp nhưng lại “ngu ngơ”, không biết tác nghiệp về chuyên đề gì. Theo lời thiếu tá, thông thường khi đi tác nghiệp cùng các đơn vị nghiệp vụ sẽ được thông báo chuyên đề nhưng có một lần duy nhất cho đến nay, anh lại chẳng hề biết mình được cử đi làm nhiệm vụ gì. Đó chính là vụ bắt sới bạc ở Đông Triều, Quảng Ninh ngày 15.3 vừa qua. Quá trình từ lúc xuất phát đến ga Yên Cư, di chuyển đến Đông Triều, anh hoàn toàn không biết mình đang đến địa điểm nào.

Thiếu tá nhớ lại, các đơn vị ngồi kín 3 toa tàu, kéo rèm kín mít, tịch thu tất cả điện thoại. Khi thiếu tá biết nhiệm vụ thì cũng chính là lúc công an từ trên tàu hỏa “đổ quân”, triệt phá sới bạc. Kể đến đây, anh chỉ biết cười bởi quả thực lúc đó chưa kịp hình dung về hiện trường, con bạc hỗn loạn nên chỉ kịp mở máy quay, chạy theo một nhóm trinh sát và ghi hình một vài con bạc.

Công tác tuyên truyền trong lực lượng công an tuy một nghề nhưng 2 nghiệp. Dù không phải những nhà báo mang thẻ nhưng với những người cán bộ, chiến sĩ công an đang làm công tác giống thiếu tá Nguyễn Chí Khánh, họ là những người cũng đáng được tôn vinh trong ngày 21.6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem