Nhà máy giấy gây hại môi trường

Thứ tư, ngày 29/09/2010 22:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng vạn mét khối nước thải từ 11 nhà máy giấy chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường đã và đang gây nhiều bức xúc cho người dân tỉnh Yên Bái...
Bình luận 0

Nhà máy Giấy Yên Bình chưa... bình yên

Tính đến thời điểm cuối tháng 9-2010, hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Giấy Yên Bình (thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm (LNSTP) Yên Bái) đã chạy thử nghiệm được gần 2 tháng. Tuy nhiên, những "nỗ lực khắc phục" của nhà máy xem ra mới chỉ như muối bỏ bể.

Với 6 dây chuyền công suất 7.500 tấn sản phẩm/năm, mỗi ngày nhà máy xả ra môi trường hàng trăm mét khối nước thải và bốc mùi nồng nặc. Theo lãnh đạo nhà máy, sở dĩ xảy ra thực trạng trên là do nhà máy đang chạy thử hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa có mái che cho nên khi trời nắng, mùi nước thải bốc lên và phát tán ra môi trường xung quanh.

Hiện nay, Yên Bái đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, thu hẹp diện tích đất nông lâm nghiệp và mất đi nhiều cảnh quan núi đá đẹp, nhất là ở khu vực huyện Lục Yên và khu vực hồ Thác Bà từ các hoạt động khai thác khoáng sản.

Ngày 16-3-2010, trước việc xả thải không qua xử lý ra môi trường của Nhà máy Giấy Yên Bình, UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 326/QĐ-UBND tạm đình chỉ hoạt động sản xuất đối với nhà máy này để xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.

Ngay sau đó, Công ty cổ phần LNSTP Yên Bái đã phải ngừng sản xuất vào ngày 1-4-2010 và kí kết xây dựng dự án công trình nước thải với Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Tây Hồ, áp dụng công nghệ lý-hoá-sinh (có bổ sung tiến bộ khoa học mới), với số vốn đầu tư cho công trình là 5,3 tỷ đồng, công suất 1.500m3/ngày.

Tuy nhiên, từ thời điểm hoàn thành xây lắp ngày 31-7 đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhà máy giấy vẫn khiến cho ND sống quanh nhà máy bức xúc. Ông Nguyễn Văn Đạo, một người dân sống gần nhà máy, cho biết: “Nhiều hôm bưng mâm cơm ra rồi lại phải bưng cơm vào. Mùi nước thải của nhà máy nồng nặc và buồn nôn, không thể chịu được”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Trinh- Giám đốc Công ty cổ phần LNSTP Yên Bái cho rằng, việc xử lý nước thải ở nhà máy giấy Yên Bình là một vấn đề khoa học và khó khăn. Trong điều kiện sản xuất của nhà máy có quy mô nhỏ cho nên việc xử lý không thể tránh khỏi thiếu sót, cần phải có thời gian để điều chỉnh và hoàn thiện. Ông Trinh cam kết sẽ tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc đảm bảo công tác môi trường trong sản xuất…

Còn nhiều “điểm nóng”

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã quy hoạch 13 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 5 khu công nghiệp (KCN) do Ban quản lý các KCN tỉnh quản lý, 8 cụm công nghiệp (CCN) do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không kể các cơ sở có quy mô hộ gia đình. Trong tỉnh, chỉ duy nhất KCN phía Nam TP. Yên Bái được tỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận vào KCN quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Đạo- Phó Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, công tác bảo vệ môi trường ở các KCN, CCN còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, đáng quan tâm là vấn đề môi trường trong chế biến nông lâm sản thực phẩm, “nóng” nhất là ở các nhà máy sản xuất giấy đế. Theo ông Đạo, nước thải từ các nhà máy giấy đế (và một số nhà máy tinh chế bột sắn), đã và vẫn đang được UBND tỉnh, sở "đưa vào tầm ngắm".

Ông Đạo cũng cho biết thêm, hiện nay, ngoài Nhà máy Giấy Văn Chấn (huyện Văn Chấn) đã đưa hệ thống xử lý nước thải vào hoạt động thì một số nhà máy giấy khác như Yên Bình (huyện Yên Bình), Minh Quân (Trấn Yên) cũng bước đầu chạy thử nghiệm để hạn chế nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem