Atif từng là một trong những tù nhân được đặt trong tình trạng giám sát cao độ trong nhà tù Indonesia. Trước đây, hắn là một tín đồ Hồi giáo bình thường nhưng dần dần đã chuyển hệ tư tưởng sang Hồi giáo cực đoan.
Hắn chết vào tuần trước sau vụ tấn công liên hoàn ở thủ đô Jakarta. Đây là lần đầu tiên IS thực hiện tấn công khủng bố ở Đông Nam Á.
Indonesia có hơn 200 triệu tín đồ Hồi giáo và là quốc gia đông người theo đạo Hồi nhất thế giới.
Con đường của Atif cho thấy bước chuyển biến từ một tù nhân thành khủng bố thành chiến. Điều này là do hệ thống nhà tù ít giám thị quản lý, quá tải tù nhân và tham nhũng tạo điều kiện cho phép bọn khủng bố cực đoan trà trộn vào xã hội.
Quan chức an ninh cho biết Atif, tên thường gọi là Sunakim, bị tù 7 năm sau khi tham gia vào trại huấn luyện quân sự ở tỉnh Aceh, nơi đạo Hồi bị kiểm soát chặt chẽ hơn các khu vực khác ở Indonesia.
Dù ở tù nhưng Atif từ chối chương trình phi cực đoan mà nhà tù đưa ra. Cảnh sát cho biết Atif lên kế hoạch tấn công Jakarta cùng ba nghi phạm khủng bố khác, một trong số đó trước đây từng ngồi tù. 4 dân thường đã thiệt mạng sau vụ tấn công.
Báo cáo bởi Viện phân tích xung đột chính sách (IPAC) năm 2015 cho biết 26 nhà tù ở Indonesia có 270 tù nhân nhưng chỉ một số nhỏ là ủng hộ IS.
Điện thoại di động
Khi ở trong nhà tù Cipinang, Atif là một trong 20 tù nhân bị ảnh hưởng rất lớn bởi “nhà truyền giáo” Aman Abdurrahman. “Chúng ở cùng phòng giam, cùng nhau cầu nguyện, nấu ăn cùng nhau”, Taufik Andrie, giám đốc điều hành Viện Xây dựng hòa bình thế giới trụ sở ở Jakarta khẳng định.
Aman Abdurrahman, thường được biết tới với tên gọi Oman Rochman, giơ tay chào những tù nhân khác trong một phiên tòa diễn ra ở Jakarta.
Abdurrahman bị tống vào phòng biệt giam tại Nusakambangan ở Trung Java năm 2013 nhưng vẫn tiếp tục liên lạc được với Atif và một nhóm 200 tù nhân khác bằng thư tay và điện thoại.
Một luật sư của Abu Bakar Ba’asyir, một tên khủng bố khét tiếng khác bị giam ở Nusakambangan, trả lời trên Reuters rằng việc truyền thông điệp ra bên ngoài rất dễ dàng. “Nếu chúng không dùng điện thoại di động, chúng có thể truyền tin bằng miệng cho bất kì vị khách nào ghé thăm nhà tù”, Achman Michdan, chuyên gia chống khủng bố giải thích.
Mạng xã hội
Các chuyên gia cho biết những tù nhân như Abdurrahman sẽ phát tán các bài giảng khủng bố qua email, Facebook hoặc bản cứng. Mặc dù trong tù nhưng năm 2014 Abdurrahman vẫn tuyên thệ trung thành với IS trên mạng internet.
“Những kẻ tư tưởng cực đoan có sẵn những bài rao giảng và chúng sẽ dễ dàng truyền tải cho những người khác”, Farihin, một cựu binh từng tham gia vào chương trình phi cực đoan của chính phủ ở nhà tù Palu trên đảo Sulawesi cho biết.
Phụ trách chống khủng bố ở Indonesia, Saud Usman Nasution trả lời Reuters vào tháng 11.2015 rằng các quản giáo không thể ngăn chặn đường hình thức truyền tin này vì nó phát tán quá rộng rãi và thường xuyên.
“Chúng tôi biết rằng việc pháp luật cho phép các phạm nhân được giao tiếp bằng internet và điện thoại di động là một lỗ hổng rất lớn. Đây là khu vườn cho những hạt giống cực đoan nảy mầm”, phát ngôn viên Bộ Nhân quyền và Luật pháp Hadi trả lời.
Cuộc tấn công ở Jakarta hôm 13.1 khiến cả Ịndonesia và khu vực Đông Nam Á rung chuyển.
Chuyên gia khẳng định việc tiếp cận các mạng xã hội và phần mềm nhắn tin như Telegram là một sai sót nghiêm trọng của hệ thống luật pháp Indonesia.
Cảnh sát tin rằng những kẻ chủ mưu vụ tấn công Jakarta đã sử dụng mạng xã hội để reo rắc các ý tưởng cực đoan cho những tín đồ trung thành ở Indonesia. Cảnh sát cho biết Bahrun Naim đã chuyển hàng ngàn USD tiền mặt cho những tài khoản trong nước từ Syria.
Sau vụ tấn công, chính quyền Indonesia đã chặn các website cực đoan, gửi thư yêu cầu công ty chủ quản của Twitter, Facebook và Telegram dỡ bỏ các nội dung cực đoan trên mạng xã hội của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.