“Nhân dân đoàn kết, vận nước sẽ lên”

Phương Hà (thực hiện) Thứ ba, ngày 02/09/2014 07:02 AM (GMT+7)
69 năm đã trôi qua nhưng những bài học về đoàn kết toàn dân tộc, trọng dụng người tài để xây dựng đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Nhân kỷ niệm Quốc khánh 2.9, Báo NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Túc -  Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam xung quanh vấn đề trên.
Bình luận 0

Ông Túc nói: Bác Hồ đã chỉ ra “Đoàn kết, đoàn kết, Đại đoàn kết - Thành công thành công, Đại thành công”. Đó là bài học được Bác Hồ tổng kết thành truyền thống của dân tộc từ ngày dựng nước và giữ nước. Khi nào dân ta đoàn kết thì nước ta được độc lập, vận nước sẽ lên. Khi nào dân ta chia rẽ thì nước ta bị nước ngoài đô hộ. Còn trong bối cảnh hiện nay, đại đoàn kết dân tộc có nhiều điểm mới hơn so với thời cách mạng dân tộc dân chủ và cũng có nhiều điểm mới hơn so với thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc vì giờ chúng ta chấp nhận xây dựng kinh tế thị trường nhiều thành phần nên xã hội có sự phân hóa rất mạnh mẽ. Trong xã hội có người thu nhập 500 triệu đến 1 tỷ đồng/tháng trong khi những người nông dân chỉ vài 3 triệu/tháng, do mức sống rất khác nhau, nên lối sống cũng không giống nhau, suy nghĩ cũng không giống nhau. Do đó không có sự nhất trí về chính trị và tinh thần như trước đây, nên đòi hỏi tổ chức Mặt trận phải phấn đấu để tạo sự đồng thuận cao hơn. Nhiệm vụ của Mặt trận cũng khác nhiều so với trước.

Trong quá khứ, Mặt trận là nơi động viên, huy động sức dân, từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt là huy động trí thức, người tài cho cách mạng. Theo ông, trong hoàn cảnh hiện nay khi chủ quyền đất nước ở Biển Đông bị đe dọa, kinh tế khó khăn thì vai trò của Mặt trận cần nhất lúc này là gì?

- Dân tộc Việt Nam có đặc điểm đứng trước giặc ngoại xâm thì tình đoàn kết nổi trội hơn bất cứ thời nào khác. Khi đứng trước khó khăn thì người dân Việt Nam sẵn sàng dẹp bỏ lợi ích cá nhân, mâu thuẫn nội bộ để sẵn sàng đoàn kết. Trong 7 kỳ đại hội trước đây của Mặt trận chưa khi nào đưa vấn đề chủ quyền vào tiêu đề của đại hội, nhưng tới Đại hội lần thứ VIII này, vấn đề “Bảo vệ chủ quyền quốc gia” được đặt ra cụ thể trong tiêu đề.

Quan điểm
img
Ông Nguyễn Túc
   Sắp tới đây trong đội ngũ những thành phần tham gia vào Ủy ban Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở sẽ có cả những ngư dân bình thường tiêu biểu, có những người tiêu biểu trong đội ngũ cảnh sát biển, có cả đại diện chính quyền của đảo Lý Sơn và các đảo tiền tiêu khác…
 
Không những thế, sắp tới đây trong đội ngũ những thành phần tham gia vào Ủy ban Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở sẽ có cả những ngư dân bình thường tiêu biểu, có những người tiêu biểu trong đội ngũ cảnh sát biển, có cả đại diện chính quyền của đảo Lý Sơn và các đảo tiền tiêu khác... Mặt trận sẽ phát động các phong trào vận động lo xây dựng cơ sở vật chất biên giới, hải đảo, lo cuộc sống cho gia đình chiến sĩ, ngư dân ngày đêm bám biển, các cuộc vận động hướng về biển đảo… giống như năm 1979 trước đây hướng về biên giới phía Bắc.

 

Cùng với đòi hỏi sự đoàn kết dân tộc thì việc sử dụng người tài đang là vấn đề thu hút sự quan tâm và là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Theo ông, tại sao trước đây việc thu hút người tài lại là bài toán không khó như bây giờ?

- Nhận thức về trí thức không phải lúc nào cũng được nhìn nhận đúng, mặc dù ông cha ta đã đúc kết “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, hay như Bác Hồ, một điển hình cho khả năng quy tụ người tài đã nói “đoàn kết trên cơ sở công nông trí”. Nhưng càng về sau, vấn đề trọng người tài không được đề cập đúng mức. Mặc dù Trung ương có rất nhiều nghị quyết nhưng nhiều cấp ủy không thực hiện nghiêm túc, dẫn đến tình trạng một bộ phận trí thức có tâm tư.

Nghị quyết T.Ư 7 về đại đoàn kết dân tộc đã nêu “phải tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với ý chung của dân tộc”. Đội ngũ trí thức cần có độc lập để suy nghĩ, sáng tạo. Chính vì việc không được tôn trọng trong nhiều suy nghĩ khác nên đôi lúc những sáng tạo của đội ngũ trí thức thời gian qua không được sử dụng, không tạo được động lực cho sự phát triển.

Câu chuyện sinh viên giỏi, cán bộ giỏi được cử đi đào tạo ở nước ngoài không chịu về nước đang dấy lên những ý kiến trái ngược. Ông có đồng tình với quan điểm cần phải nhìn nhận câu chuyện này ở khía cạnh tích cực hay không?

- Tôi đồng tình với quan điểm những anh em được cử đi đào tạo ở nước ngoài sau khi kết thúc quá trình học về nước là thể hiện lòng yêu nước, nhưng vì hoàn cảnh hay lý do nào khác mà ở lại đó cũng là yêu nước. Đội ngũ trí thức cần có phương tiện làm việc, cần có điều kiện để nghiên cứu thêm, miễn sao khi đất nước cần thì sẽ không quên nơi đã sinh ra và cho mình cơ hội. Những người làm quản lý cần có suy nghĩ thoáng, tránh tư duy nhiệm kỳ đang chiếm lĩnh rất nguy hiểm.

Phát hiện người tài cho đất nước có nên là công việc được đặt ra cho Mặt trận trong thời gian tới?

- Thông qua các phong trào, các cuộc vận động, tổng kết hàng năm, hàng nhiệm kỳ của các tổ chức thành viên, Mặt trận phát hiện những tài năng để đề xuất cho Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ người tài. Thời gian qua, Mặt trận thông qua tổ chức Hội Nông dân, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật... phát hiện hàng loạt “nông dân chân đất” nhưng là những kỹ sư, nhà khoa học phát minh ra những sản phẩm ứng dụng, giúp ích cho đời sống mà chưa một phòng thí nghiệm nào tìm ra... Tới đây, một trong 5 chương trình của Mặt trận là phải tìm ra và nhìn thấy tài năng chớm nở từ cơ sở chứ không chỉ nhìn phần ngọn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem