Nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2019: Hải Phòng khởi công, khánh thành hàng loạt công trình

Trần Phượng Thứ năm, ngày 09/05/2019 17:35 PM (GMT+7)
Ngày 9.5, UBND TP Hải Phòng tổ chức khởi công và khánh thành nhiều công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông đô thị, dịch vụ, ... . Đây là các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2019.
Bình luận 0

Khởi công cầu sông Hóa

Nhiều năm nay, trên tuyến Quốc lộ 37 kết nối các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng của TP.Hải Phòng với địa phương giáp ranh là thị trấn Diêm Điền, các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, tỉnh Thái Bình chỉ duy nhất có cầu phao bắc qua sông Hóa, hiện xuống cấp và không đảm bảo an toàn khai thác.

img

Được biết, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 185 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách của Hải Phòng và Thái Bình.

Dự kiến, cầu sông Hóa sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019. Cầu được xây vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu 254,1m, mặt cắt ngang cầu 12 m. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp rút ngắn khoảng cách vẫn chuyển giữa Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình góp phần giảm áp lực giao thông qua QL 10 và từng bước hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo dự báo, trong năm đầu khai thác, lưu lượng xe qua cầu từ 300 xe/ngày đêm hiện sẽ tăng đến trên 1.000 xe/ngày đêm. Năm 2020m, khi nhà máy chế biến rau củ quả (của Lavifood) với công suất 100 nghìn tấn/năm tại huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng đi vào hoạt động, khu vực này trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả vùng Duyên hải Bắc Bộ, lưu lượng vận tải qua cầu sông Hóa sẽ tăng đến trên 1.500 xe/ngày, đêm, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội khu vực, thúc đẩy hợp tác và tăng cường liên kết vùng.

img

Nút giao Nguyễn Văn Linh  hoàn thành giải quyết vấn đề giao thông cấp bách

Cũng cùng ngày, Lễ khánh thành nút giao Nguyễn Văn Linh và khởi công tuyến đường trục từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con (thuộc Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2) cũng được UBND TP Hải Phòng tổ chức trang trọng với sự tham dự của các đơn vị sở ngành và lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn.

Cuối năm 2017, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con với mục tiêu xây dựng tuyến đường trục giao thông hướng tâm, kết nối khu vực trung tâm thành phố với QL 5, đường Phạm Văn Đồng và khu vực phía nam thành phố, thông thương với các địa phương bạn theo các trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường bộ ven biển, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông.

img

Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP Hải Phòng. Tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án là 1.405 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 706 tỷ đồng, xây lắp là 541 tỷ đồng). Đến nay, nút giao Nguyễn Văn Linh và đoạn tuyến kết nối với đường chợ Hàng cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh có chi phí xây dựng là 360 tỷ đồng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Dự án khi thực hiện và đưa vào khai thác sẽ giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Lạch Tray - Cầu Rào 1, phát huy hiệu quả khai thác Cầu Rào 2 và hình thành các khu đô thị mới như: Khu đô thị vên sông Lạch Tray, Khu đô thị và Bệnh viện Vinmec, Trường học Vinschool của Vingroup, Trung tâm thương mại AEON MALL, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, phục vụ tập kết, thông quan hàng hóa tại các Cảng biển khu vực Hải Phòng.

Riêng công trình cầu vượt Tuyến đường trục từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tổng chiều dài tuyến là 1.690,87m, bề rộng nền đường từ 32,5m – 35,0m theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị thứ yếu.

Đưa vào sử dụng Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Phòng

img

Công trình Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Phòng được khởi công xây dựng từ tháng 9.2017 và hoàn thành tháng 5.2019. Đây là Bệnh viện hạng 2 tuyến thành phố, được thành lập từ năm 1962. Hiện bệnh viện được giao chỉ tiêu 220 giường bệnh, có 195 nhân viên làm việc tại 14 khoa, phòng. Năm 2018, bệnh viên đã tích cực ứng dụng các kỹ thuật mới trong công tác khám và điều trị cho người bệnh nhằm cải thiện chất lượng khám chữa bệnh như: laser nội mạch, laser châm, từ trường thấu nhiệt, điện xung, điện phân, kéo giãn cột sống, sóng xung kích, điều trị điện thần kinh cơ…

Bệnh viện được xây dựng mới trên địa bàn huyện An Dương với tổng số vốn gần 190 tỷ đồng. Việc đưa Bệnh viện Y học Cổ truyền đi vào hoạt động nhằm củng cố và phát triển mạng lưới y dược trên địa bàn Hải Phòng, góp phần hiện đại hóa và đẩy mạnh việc phát triển lĩnh vực y dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Dự án Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Phòng có quy mô 220 giường bệnh do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm các khối công trình như khu vực khám bệnh, kỹ thuật nghiệp vụ, hành chính (5 tầng, diện tích sàn 6.150m2); nhà điều trị nội trú 220 giường bệnh (5 tầng, diện tích sàn 5.985m2); khoa dinh dưỡng, dịch vụ tổng hợp (3 tầng, diện tích sàn 2.250m2); khoa dược và bào chế thuốc, khoa vật tư thiết bị y tế (2 tầng, diện tích sàn 1.500m2); khoa chống nhiễm khuẩn; Các hạng mục phụ trợ gồm: nhà nồi hơi (1 tầng, diện tích sàn 445m2) ; hành lang cầu, trạm biến áp, khu kỹ thuật, vườn cây thuốc nam, bãi đỗ xe (diện tích 3.476m2).

Trong thời gian tới, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Phòng tập trung triển khai Đề án Phát triển vùng dược liệu thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, từng bước xây dựng, quy hoạch vườn thuốc nam tại Bệnh viện và các Trạm Y tế, duy trì và phát triển tinh hoa y học cổ truyền dân tộc trong phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem