Nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam: Đào tạo nhiều, đi làm ít

Diệu Linh Thứ tư, ngày 12/10/2022 07:06 AM (GMT+7)
Năm 2022, Việt Nam có 148.557 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, điều dưỡng đi làm ở các bệnh viện chỉ khoảng 1/4 trong số này.
Bình luận 0

Tại Hội nghị Điều dưỡng trưởng toàn quốc năm 2022 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức vừa diễn ra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đội ngũ điều dưỡng chiếm 70% lực lượng lao động trong bệnh viện. 

"Trăm sự" đổ dầu điều dưỡng

Tuy nhiên, thời gian qua, điều dưỡng đang gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, áp lực khiến nhiều điều dưỡng đã không chịu nổi phải bỏ việc. 

Theo khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, một số khó khăn mà các điều dưỡng gặp phải là vẫn còn quan niệm điều dưỡng là "nghề phục vụ, thực hiện y lệnh của bác sĩ". 

Nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam: Đào tạo nhiều, đi làm ít - Ảnh 1.

Điều dưỡng là những người làm việc vất vả, tuy nhiên chế độ đãi ngộ lại chưa hợp lý (Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh BVCC)

Đáng nói, điều dưỡng không chỉ chăm sóc bệnh nhân mà còn phải làm nhiều việc khác ngoài chuyên môn như lĩnh thuốc, lĩnh dụng cụ, đồ vải, đưa đón người bệnh đi khám, làm các thủ tục cận lâm sàng, hành chính, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế, xử lý dụng cụ đã sử dụng tại khoa…

Ngoài ra, các điều dưỡng cũng chịu thiệt thòi khi các chi phí khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán chủ yếu là phẫu thuật, thủ thuật do các bác sĩ thực hiện. Các dịch vụ do điều dưỡng cung cấp được đưa rất ít vào danh mục bảo hiểm y tế thanh toán. 

"Sau đại dịch Covid-19 đội ngũ điều dưỡng có nhiều biến động, thiếu điều dưỡng và có xu hướng nghỉ việc trong bệnh viện.

Trong đó, có những nguyên nhân sự đãi ngộ trong nền kinh tế thị trường và tự chủ bệnh viện khiến công sức lao động của người điều dưỡng chưa được đãi ngộ tương xứng.

Vị thế vai trò của người điều dưỡng đã được quan tâm nhưng nhiều Sở Y tế, bệnh viện chưa quan tâm, phát huy vai trò của người điều dưỡng", PGS Khuê cho biết.

Đào tạo điều dưỡng nhiều, đi làm ít

Theo PGS Khuê, hiện nay, việc đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Các cơ sở đào tạo chưa có điều dưỡng chuyên khoa và chuẩn thực hành điều dưỡng cho từng chuyên khoa. 

Ngoài ra, tỷ lệ người bệnh trong bệnh viện được thực hiện chăm sóc toàn diện còn hạn chế… Đầu tư ngân sách của nhà nước cho công tác điều dưỡng chưa được tính đúng tính đủ, nguồn viện trợ cho các hoạt động rất hạn chế…

Nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam: Đào tạo nhiều, đi làm ít - Ảnh 2.

Hiện nay, việc đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. (Điều dưỡng tại Bệnh viện E. Ảnh BVCC)

Theo Bộ Y tế, năm 2022, Việt Nam có 148.557 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, số điều dưỡng đi làm thực lại rất ít. Theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo và Hội Điều dưỡng Việt Nam năm 2015, cứ 4 điều dưỡng mới ra trường thì chỉ có 1 điều dưỡng có cơ hội việc làm.

PGS Khuê cho biết, để đề cao vai trò điều dưỡng trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân, Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ Đề án Đổi mới cơ chế, chính sách điều dưỡng hướng tới chăm sóc toàn diện giai đoạn 2022-2030 nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng cũng như đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện.

Đặt chỉ tiêu đến năm 2025 sự hài lòng của khu vực nội trú trên 80%; có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem