Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10: “Sổ đỏ” và rủi ro của phận nữ

Diệu linh Thứ hai, ngày 20/10/2014 07:12 AM (GMT+7)
Dù Luật Đất đai sửa đổi đã đảm bảo quyền lợi của người vợ khi đăng ký tài sản liên quan tới đất đai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phụ nữ ở nông thôn không “chạm” được tới quyền này. Thậm chí khi ly hôn họ trắng tay, chồng chết thì bị gia đình nhà chồng đuổi đi… 
Bình luận 0

Theo đại diện Liên minh Đất đai (LANDA), thực tế này đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu quá nhiều rủi ro.

Sổ đỏ mang tên người chết

Chị Bùi Thị Thắng (46 tuổi, ở xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) có chồng là anh Bùi Văn Lợi đã mất 10 năm nay. Tuy nhiên, sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhà chị vẫn mang tên anh Lợi. Đến giờ, chị muốn thế chấp nhà đất vay tiền ngân hàng làm vốn mở rộng chăn nuôi nhưng ngân hàng từ chối cho “người chết” vay tiền. Khi chị Thắng hỏi chính quyền thì nhận được câu “cứ từ từ, cần phải đo đạc”.

Cùng cảnh với chị Thắng, trong xã có chị Ngà, chị Thân, chị Khoa góa bụa nhưng sổ đỏ vẫn mang tên chồng – người chết. Các chị muốn thế chấp vay tiền ngân hàng để làm ăn đều không thể. Còn chị Hà Thị Si (43 tuổi, dân tộc Mường ở xã Tu Lý) chấp nhận sống cuộc đời bị chồng đánh đập dã man mà không dám ly hôn, nguyên nhân cũng từ đất đai. Chị lấy chồng từ năm 23 tuổi nhưng chưa bao giờ nghe nói đến việc sổ đỏ có thể đứng hai tên.

Các loại sổ đỏ cho đất rừng, đất trồng cây hàng năm, nhà cửa đều do bố chồng và chồng đứng tên. Vì chồng giữ sổ đỏ nên chị cũng không biết nhà mình có tổng cộng bao nhiêu đất. Mấy năm gần đây, vì ruộng ít, chị ra Hà Nội làm nghề giúp việc, mỗi tháng cũng kiếm được 3 triệu đồng gửi về cho gia đình chi tiêu.

Mỗi lần gia đình có việc giỗ chạp, ma chay, chị nghỉ việc về nhà lại bị chồng kiếm cớ chửi mắng, dùng cả rìu, cả dao dọa giết. Có lần chồng say, đánh đập, chị phải nằm liệt mấy ngày. Đau đớn và nhục nhã, chị về bên ngoại, định đưa đơn ly hôn nhưng nhiều người trong gia đình khuyên giải, nếu chị ra đi thì sẽ trắng tay vì đất cát đều đứng tên bố chồng, tên chồng, chị muốn ra đi thì khó lòng mà đòi chia đất đai, tài sản. “Ra đi là trắng tay nhưng em đau đớn nhục nhã quá rồi, không biết chịu đựng được đến bao giờ”- chị Si đau khổ…

Chính quyền có vai trò quyết định



Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch LANDA 
  Ngoài lý do suy nghĩ chỉ cần người chồng đứng tên là đủ thì chi phí đo đạc để làm lại sổ đỏ cũng quá cao nên người dân không muốn mất phí. Do đó cần giảm lệ phí khi đo đạc cấp đổi sổ đỏ hai tên, đồng thời cần có tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về chính sách này”.
Để đảm bảo quyền cho phụ nữ, Luật Đất đai 2003 và 2013 và Luật Hôn nhân gia đình đều quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên cả vợ và chồng nếu mảnh đất đó là tài sản chung của cả hai người. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ở đâu và bất cứ lúc nào, quyền lợi của phụ nữ trong sổ đỏ cũng được thực thi.

Còn theo báo cáo nghiên cứu: “Nhận thức của người dân về quyền đất đai của phụ nữ” của chương trình liên minh vận động chính sách do Tổ chức Oxfam hỗ trợ tại hai xã Hương Nhượng và Định Cư (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), 100% số hộ được khảo sát cho biết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ chỉ mới có tên chồng.

Nghiên cứu đã phỏng vấn sâu 240 người dân và 30 lãnh đạo các địa phương. Kết quả cho thấy, nhiều chị chồng bỏ đi theo người khác, để vợ và con thơ bơ vơ ở nhà nhưng vợ không thể chuyển nhượng được đất khi ốm đau đến mức cùng kiệt, vì sổ đỏ đứng tên chồng, hoặc mẹ chồng (đã mất), có chị ly hôn tay trắng vì không có tên trong sổ đỏ. Có chị muốn làm lại sổ đỏ để mình được đứng tên thì lập tức bị chồng chửi, đánh vì cho rằng chị “có thằng nào nên đòi chia đất, chia nhà, ly hôn cho tiện”.

Tại thôn Ái Tử, xã Triệu Ái (Triệu Phong, Quảng Trị) có đến 80% nam giới đứng tên chủ hộ, 20% phụ nữ đứng tên do chồng chết hoặc đơn thân. Tại đây, khi được hỏi, mọi người đều chưa biết quy định phụ nữ có thể đồng đứng tên sổ đỏ. Tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cũng có tới hơn 9.000ha đất được cấp trước năm 2000 chưa được đổi thành 2 tên. Cũng không có bất cứ trường hợp nào tự nguyện đổi sang sổ 2 tên (trừ trường hợp tranh chấp đất đai).

“Có chị can chồng đi thế chấp đất để kinh doanh liều lĩnh nhưng anh ta không nghe, chị cũng không có quyền vì không đứng tên sổ đỏ. Tuy nhiên, chị vẫn phải đi cùng ra ngân hàng, nhưng là để ký vào giấy “nhận nợ” khi chồng bị thua lỗ. Điều đó thật phi lý và thiếu công bằng” – bà Trần Thị Minh Châu – đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Còn theo báo cáo nghiên cứu: “Nhận thức của người dân về quyền đất đai của phụ nữ” của chương trình hỗ trợ LANDA do Tổ chức Oxfam tại Hòa Bình cho thấy 100% phụ nữ ở Hòa Bình không có tên trong sổ đỏ. Lý do mà phụ nữ không đứng tên sổ đỏ là: Đất đã được đăng ký tên trước khi kết hôn, thừa kế từ cha mẹ, đất là sở hữu của người khác, vì chồng là chủ hộ nên đứng tên...

Cũng theo nghiên cứu này, tại Quảng Bình chỉ có 14,9% người vợ chưa được đứng tên ngang hàng với chồng trong sổ đỏ, có được kết quả này là do chính quyền Quảng Bình đã rất nỗ lực trong việc vận động và mời người dân làm lại sổ đỏ từ một tên sang sổ đỏ hai tên cả vợ lẫn chồng. “Như vậy, vai trò của chính quyền trong việc vận động và thúc đẩy người dân đi làm lại sổ đỏ hai tên là rất quan trọng” – bà Trần Thị Đức Hạnh – cán bộ Tổ chức Oxfam cho biết.

“Chỉ có 41% người dân được hỏi “nghe nói” về quyền sử dụng đất của phụ nữ. Còn gần 60% người dân đều cho rằng phụ nữ phải lệ thuộc vào chồng và nhà chồng. Như vậy có khác nào họ chỉ là “người làm công” không có quyền, không được trả lương trên mảnh đất mình đã đổ mồ hôi, nước mắt” – bà Châu nhấn mạnh.

  Hơn 120 cán bộ có trách nhiệm cấp mới/cấp lại sổ đỏ 2 tên được hỏi, thì chỉ có 7,5% người cấp tỉnh/thành phố biết về chính sách , tỷ lệ này ở cấp huyện là 37,6%, cấp xã là 28,3%. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem