Nhân vật nào ăn thịt người trong kiếm hiệp Kim Dung?
Nhân vật nào "ăn thịt người" trong kiếm hiệp Kim Dung?
Chính Minh
Thứ tư, ngày 27/01/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trong tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung, cố nhà văn Trung Quốc đã phác họa những nhân vật ăn thịt người như một cách lên án cách sống hoang dã, vô nhân tính.
Một trong những điểm hay nhất trong kiếm hiệp Kim Dung là bên cạnh những hình tượng nhân vật có võ công phi phàm, những nhân vật điển hình không có thực giữa đời thường như Bắc Kiều Phong; ông luôn "cúi xuống" thông cảm và sẻ chia với những số phận đau đớn, bất hạnh mà Du Thản Chi (Trang Tụ Hiền) là ví dụ.
Sở dĩ có được nhãn quan như vậy là do Kim Dung được sinh ra trong một gia đình có ông nội làm quan tri huyện, một đời thanh liêm, chính trực. Trong hơn chục bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung viết, có xen vào nhiều yếu tố lịch sử, đặc biệt là những câu chuyện có thật giữa đời thường. "Liên Thành Quyết" là tác phẩm dựa trên những sóng gió cuộc đời người giúp việc của gia đình Kim Dung, tên Hòa Sinh mà Kim Dung vô cùng yêu mến, kính trọng.
Những ai từng đọc Liên Thành Quyết hẳn đều không thể quên nhân vật "ác tăng" Bảo Tượng. Mang tiếng mặc "áo cà sa" mà khi thú tính nổi lên, trong cơn đói, có thể ăn cả thịt chuột lẫn thịt… người!
Nghe thì kinh dị như vậy nhưng thực tế trong các truyện Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, đều đã kể chuyện "ăn thịt người". Đến Lưu Bị vô tình còn được một anh chàng vì khâm phục quá, nhà sẵn không có gì nên "thịt luôn vợ" để đãi cơ mà!
"Ăn thịt người" gớm ghê mà Kim Dung muốn nói thực ra nằm ở nghĩa bóng. Đó là câu chuyện hãm hại, "chà đạp" lên nhau mà sống trong mối quan hệ giữa con người với con người ở thời điểm lịch sử cụ thể.
Như trong Liên Thành Quyết, có lẽ nhân vật trung tâm Địch Vân vốn hiền lành, thật thà, chân chất đến khờ khạo chỉ có sống và thành cao thủ nhờ… "trời cứu" mà thôi!
Địch Vân chính là hình ảnh hiện thực của nhân vật Hòa Sinh trong đời thường. Hiền lành chăm chỉ làm nông, vậy mà bị nhà chủ vì ghét, vì muốn chiếm đoạt vợ sắp cưới của Hòa Sinh làm vợ kế con trai mình mà vu cho tội trộm cắp.
Hòa Sinh ở tù hơn 20 năm, coi như hết đời. Cha mẹ già đau khổ vì chuyện của con trai vì thế mà ra đi sớm. Như thế có phải "ăn thịt người" không?
Ra tù, Hòa Sinh gặp con trai nhà chủ và "trả cả vốn lẫn lời", vào tù lẫn nữa với "án tử" trên đầu.
Nếu lúc ấy, Hòa Sinh không gặp đúng người, đúng thời điểm là ông nội Kim Dung về làm tri huyện đất Đan Dương, thấu tình đạt lý tìm cách cứu giúp, đưa về nhà làm nô bộc thì ôi thôi!
Khi ấy, biết đâu sẽ chẳng còn Hòa Sinh mà cũng không có luôn một Kim Dung – võ lâm minh chủ với những tuyệt tác kiếm hiệp đi vào lòng người thuộc lớp lớp thế hệ, giai tầng xã hội!
Kim Dung dùng "Võ" nói chuyện "Tâm"
Như một cách đối đầu không khoan nhượng với bọn "ăn thịt người", Kim Dung xây dựng hệ thống nhân vật sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì người khác.
Ví như Lệnh Hồ Xung cắt máu cứu Tiêu Di con Lão Đầu Tử cũng được Kim Dung kể dưới chất giọng hài hước qua màn đối đáp giữa nhóm Đào cốc lục tiên trong "Tiếu ngạo giang hồ".
Nghe đoạn đối thoại giữa họ, ai cũng tưởng Lệnh Hồ Xung đang làm điều xằng bậy với cô gái trong phòng kín. Ai ngờ là "ép" cô gái uống máu của mình để chữa bệnh nan y.
Ấy mới bảo ở đời, có chuyện "tưởng vậy mà không phải vậy"!
Còn như Bắc Kiều Phong, một nhân vật nếu bỏ qua những yếu tố huyền hoặc của võ công, chỉ còn ở đó tinh thần hiệp nghĩa, sẵn sàng uống rượu sảng khoái cùng huynh đệ và 1 chén cũng không với bọn "loằng ngoằng dây diện".
Với mẫu nhân vật với cá tính như vậy, chắc chắn, khi không còn võ công nữa, là một người bình thường, chắc chắn Kiều Phong cũng sẵn sàng vì anh em mà xả thân, vì người mình yêu mà trở thành "kẻ cướp" (lúc ăn cắp nhân sâm để cứu A Châu vì gã lang băm không cho… nợ!), rồi cười hề hề vào mặt những cao thủ võ lâm mang tâm bất chính; như cách Hồng Thất Công khi đã mất hết võ công bình thản nói với Tây Độc Âu Dương Phong (người ông đã cứu trên biển) trên đảo, khi Âu Dương Phong định "bắt nạt" vợ chồng tiểu bối Quách Tĩnh-Hoàng Dung: "Nhìn mày oai hùng lắm!"
Kẻ cực ác như Âu Dương Phong cuối cùng cũng phải run tay quay đi trước ánh mắt cực thiện của Hồng Thất Công.
Đây cũng chẳng phải là một cách "ăn người" ư?
Võ công trong truyện Kim Dung vì thế tưởng ảo mà thực. Người có võ trong đời thường mà tà tâm cũng chỉ là võ sĩ hạng bét. Chỉ có ai đạt đến chính tâm mới là cao thủ thực sự!
Dùng võ để nói chuyện tâm thôi!
Trong "Ỷ thiên đồ long ký", Kim Dung cũng kể chuyện một nhóm giang hồ vô danh vì đói khát trong rừng mà ăn cả thịt người. Câu chuyện ấy "làm nền" cho nghĩa khí, dòng máu anh hùng từ nhỏ của cậu bé Trương Vô Kỵ, một lòng che chở cho em Dương Bất Hối cho đến khi cô gặp được cha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.