Kiểm soát không lưu là công việc rất vất vả.
5 lần ngủ quên trong ca trực
Ít nhất 5 lần vào tháng 3.2011, một kiểm soát viên không lưu tại sân bay Miami, Mỹ đã ngủ quên trong giờ làm nhiệm vụ. Hành động gây uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay này đã khiến cơ quan chức năng quản lý bay phải ngồi lại và bàn bạc cách giải quyết.
5 vụ việc này xảy ra trong ca trực buổi đêm và may mắn không có thiệt hại nào. Dù vậy, nhiều nghi ngại đặt ra quanh khả năng một vụ tai nạn thảm khốc trong tương lai nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài. Nhân viên ngủ quên trong ca trực không được nêu tên nhưng đã bị buộc thôi việc.
Cục Quản lý bay Liên bang Mỹ thừa nhận sự mệt mỏi và áp lực với các kiểm soát viên không lưu đang khiến họ phải lên kế hoạch thay đổi lịch làm việc của toàn hệ thống. “Chúng ta cần có những biện pháp thay đổi tích cực để giải quyết tình trạng mệt mỏi của kiểm soát viên không lưu”, Randy Babbitt từ Cục quản lý bay, nói.
Sân bay quốc tế Miami.
Đơn vị này đề xuất tăng thêm số ca nghỉ và giờ giải lao xen giữa để giúp nhân viên được hồi sức sau một thời gian dài áp lực và căng thẳng. Vụ việc sáng ngày 11.3.2011 được đánh giá là nghiêm trọng khi trạm không lưu này quản lý máy bay tầm cao ở bang Florida, một phần Đại Tây Dương và biển Caribe – những có lưu lượng máy bay rất lớn.
Trước thời điểm trường hợp báo động này xảy ra, một phi công cũng không thể liên lạc với kiểm soát không lưu mặt đất khi cần hạ cánh và lúc đó trên máy bay có một bệnh nhân. May mắn là phi công vẫn hạ cánh an toàn.
Thông thường, kiểm soát viên thường “nhảy ca” liên tục từ sáng, trưa, chiều tới tối. Lịch làm việc không cố định khiến họ không đủ thời gian cho cơ thể thích nghi. Chuyên gia sức khỏe Philip Gehrman yêu cầu một lịch làm việc cố định cho những người điều tiết hàng không.
“Cơ thể chúng ta có giới hạn và không thể hoạt động bình thường trong 24 tiếng liên tục”, Gehrman nói.
Ngủ quên, mặc 2 máy bay loay hoay hạ cánh
Sân bay quốc tế Ronald Reagan.
Kiểm soát viên không lưu tại sân bay Ronald Reagan đã thừa nhận vào tháng 4.2011, anh này ngủ quên trong thời điểm hai máy bay chuẩn bị hạ cánh. Thông tin được Cục An toàn bay Vận tải Quốc gia Mỹ công bố.
Nhân viên giấu tên là một người đàn ông 20 tuổi cho biết có “chợp mắt một lúc khi làm việc”. Trước đó, CNN cho hay anh này làm việc 4 ca liên tiếp nên rơi vào tình trạng mệt mỏi. Cơ quan chủ quản cũng coi sức khỏe nhân viên là lí do chính khiến các sự cố phát sinh.
Nhân viên không lưu đã bị sa thải và cục quản lý bay của Mỹ thông báo tiếp tục điều tra vụ việc. Trước đó, máy bay của hãng American Airlines định hạ cánh xuống sân bay nhưng kiểm soát viên không lưu không trả lời. Phi công đã cố gắng gọi và nối tín hiệu vài lần nhưng không được hướng dẫn hạ cánh. Phi công nói: “Rõ ràng trạm không lưu không có người khi đó”.
Phi công Knudson dùng kinh nghiệm của mình hạ cánh máy bay an toàn trong một tình huống mang tên “sân bay không có người kiểm soát”. Sau đó 15 phút, máy bay của hãng United Airlines định hạ cánh cũng không thể liên lạc với nhân viên không lưu. Một lúc sau, nhân viên khác có mặt và hỗ trợ máy bay tiếp đất an toàn.
Năm 2006, một máy bay ở sân bay Chicago đã suýt nữa tông trúng máy bay khác đang chuẩn bị cất cánh trên đường băng. Kiểm soát viên không lưu cho phép máy bay xuất phát dù một máy bay khác đang trên đường băng chờ. Người này bị cách chức sau đó và cho biết anh chỉ được ngủ 4 giờ dù thời gian nghỉ ngơi là 9 giờ.
Năm 2007, Mark Rosenker, Chủ tịch Cục An toàn bay từng gửi thư kiến nghị 4 sự cố sân bay và khẳng định cần sắp xếp thời gian làm và thời gian nghỉ ngơi cho kiểm soát viên không lưu. Áp lực công việc đang là điều cản trở họ thi hành tốt nhiệm vụ đầy nặng nề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.