Nhập tịch cầu thủ, mô hình nào phù hợp cho ĐT Việt Nam?

Trần Oánh Thứ năm, ngày 30/01/2025 14:10 PM (GMT+7)
Ngoài trình độ chuyên môn, bóng đá còn đòi hỏi khát khao cống hiến, thứ hỗ trợ năng lực thi đấu đặc biệt vốn phụ thuộc khá nhiều vào tinh thần dân tộc tồn tại trong tâm hồn mỗi cầu thủ.
Bình luận 0

Nhập tịch cầu thủ, mô hình nào phù hợp cho ĐT Việt Nam?

Tới đây, ít nhất 4 ngoại binh có thể khoác áo ĐT Việt Nam khi có quốc tịch Việt Nam, đó là Jason Quang Vinh, cầu thủ Việt kiều Pháp, đã nộp hồ sơ xin quốc tịch Việt Nam. Jason Quang Vinh có kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp, từ CLB Sochaux FC tại Pháp rồi gần đây là Quevilly Rouen. Hiện anh là trụ cột quan trọng ở CLB CAHN. 

Tiếp theo là Hendrio, tiền vệ người Brazil, đồng đội của Nguyễn Xuân Son ở CLB Thép Xanh Nam Định sẽ đủ điều kiện xin quốc tịch Việt Nam vào tháng 1/2026. Mới đây, khi chứng kiến Nguyễn Xuân Son tỏa sáng trong màu áo ĐT Việt Nam, cầu thủ này tỏ ra rất hào hứng và bày tỏ mong muốn được sát cánh cùng người đồng đội trong màu áo ĐT Việt Nam. 

Thứ ba là Geovane Magno, cao 1m88, ngoài vị trí tiền đạo cắm, cầu thủ 30 tuổi còn có thể chơi tốt trong vai trò tiền vệ tấn công. Anh đã sống và chơi bóng tại Việt Nam đủ 5 năm nên CLB chủ quản Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang rất cố gắng giúp anh làm thủ tục nhập tịch.  Cuối cùng là trung vệ Janclesio 31 tuổi người Brazil, cao 1m96, vào giữa năm 2025 sẽ đủ điều kiện xin quốc tịch Việt Nam. Janclesio được đánh giá là trung vệ hàng đầu V.League hiện nay.

Chúng ta đã chứng kiến vai trò, đóng góp quan trọng thế nào của Nguyễn Xuân Son trong chức vô địch ASEAN Cup 2024 vừa qua của ĐT Việt Nam. Và chắc chắn với 5 hay nhiều hơn nữa những cầu thủ nhập ngoại, những cầu thủ có trình độ cao hơn mặt bằng trình độ khu vực Đông Nam Á, khoác áo ĐT Việt Nam, đội bóng sẽ mạnh hơn hẳn.

Nhập ngoại cầu thủ, mô hình nào cho ĐT Việt Nam? - Ảnh 1.

Hendrio (phải) muốn làm đồng đội của Nguyễn Xuân Son ở ĐT Việt Nam. Ảnh: FBNV.

Nhưng có một thực tế, cho dù như vậy, ĐT Việt nam của chúng ta cũng chỉ "bắt nạt" được các đội bóng trong khu vực. Ở giải ASEAN Cup vừa qua, chúng ta đã chứng kiến Nguyễn Xuân Son tỏa sáng thế nào trên sân, nhưng đó là cấp độ Đông Nam Á thôi. Chỉ cần ở cấp độ châu lục, trước những "gã khổng lồ" như Nhật Bản hay Hàn Quốc, ngôi sao tấn công của chúng ta sẽ không có nhiều đất để khuấy đảo được như vậy nữa. 

Kể cả đội bóng gồm hầu hết các ngoại binh của ĐT Việt Nam cũng khó làm gì nên chuyện trên đấu trường châu lục hay thế giới. Vì ngoài trình độ chuyên môn, môn thể thao đối kháng đặc biệt này còn đòi hỏi khát khao cống hiến, thứ hỗ trợ năng lực thi đấu đặc biệt vốn phụ thuộc khá nhiều vào tinh thần dân tộc tồn tại trong tâm hồn mỗi cầu thủ. 

Như tấm gương của ĐT Trung Quốc cách đây vài năm, các tuyển thủ nhập tịch của đội bóng xứ tỷ dân thi đấu đúng như đá thuê vậy, họ không có khao khát công hiến, không hòa nhập được với các đồng động mang trong mình dòng máu Trung Quốc. Chưa kể tới yếu tố chuyển biến tâm lý, kiểu như chúng ta đã chứng kiến những động thái tâm lý rất tích cực từ Nguyễn Xuân Son khi cống hiến cho ĐT Việt Nam, nhưng là người trẻ tuổi, việc giữ trạng được thái tâm lý tích cực đó sau khi đã trở thành "công thần" của đội bóng không hề dễ.

Mặt khác thì như rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra, đó là tác dụng phụ của chiến lược nhập tịch cầu thủ ngoại phục vụ ĐTQG ảnh hưởng tới sự phát triển của các cầu thủ trẻ nội cũng như tác động xấu tới hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Chúng ta cứ hình dung đơn giản là nếu hàng tiền đạo của ĐT Việt Nam có Nguyễn Xuân Son, Hendrio, Geovane Magno, liệu có còn chỗ cho Tiến Linh, Văn Toàn hay không? Chứ chưa kể đến cầu thủ trẻ như Bùi Vĩ Hào. Và như vậy, động lực nào thúc đẩy các cầu thủ trẻ luyện tập, thi đấu.

Nếu 4 cầu thủ trên cùng những cầu thủ ngoại khác có mong muốn nhập tịch và hoàn thiện thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam, việc họ có được thi đấu cho ĐT Việt Nam hay không phụ thuộc vào lựa chọn của HLV Kim Sang-sik. Khi đó, với HLV này sẽ không có khác biệt về gốc gác, cầu thủ nội hay cầu thủ nhập tịch, mà chỉ có sự khác biệt về mặt chuyên môn giữa các cầu thủ mang quốc tịch Việt Nam khi lựa chọn cầu thủ cho ĐTQG. Điều này là đương nhiên, vì nhiệm vụ của ông là làm mọi cách để đưa ĐT Việt Nam đạt được những thành tích cao nhất có thể.

Khi đó cần có sự can thiệp của VFF để dung hòa giữa thành tích trước mắt của ĐT Việt Nam và chiến lược phát triển lâu dài của bóng đá quốc gia. Một trong những mô hình có thể áp dụng để dung hòa giữa lợi ích trước mắt và lâu dài đó là quy định số cầu thủ nhập ngoại có mặt trong danh sách ĐTQG, không cần phân biệt cầu thủ có phải ngoại kiều hay không, ví dụ như là không quá 3 cầu thủ nhập tịch có mặt trên sân, tương tự sẽ là một tỷ lệ nhất định trong danh sách tập trung ĐTQG, giống với các quy định cho CLB ở V.League. Không cần đông nhưng phải thật tinh, đó phải là những cầu thủ xuất sắc, ít nhất là so với trình độ khu vực, kiểu như Nguyễn Xuân Son vậy. 

Mô hình kể trên sẽ giúp cải thiện sức mạnh trước mắt của ĐTQG, đối phó với sự tăng cường sức mạnh của các đội bóng trong khu vực, giúp cho các cầu thủ nội binh học hỏi, nâng cao trình độ bản thân, nhưng lại không chiếm mất cơ cống hiến của các cầu thủ trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem