Ngày 11/11, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu cho 1 người bị tai nạn giao thông nhưng lại phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu đột quỵ.
Cụ thể, bệnh nhân vào viện khi có va chạm giao thông nên khi vào viện, các bác sĩ cần tầm soát hết tất cả các chấn thương khác do tai nạn giao thông có thể gây ra. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy người bệnh rơi vào tình trạng yếu nửa người, đau đầu, lơ mơ, phát âm khó…
Nhận thấy người bệnh có những dấu hiệu, triệu chứng của đột quỵ cấp, các bác sĩ ngay lập tức quy trình cấp cứu đột quỵ được kích hoạt nhằm giành lại sự sống cho người bệnh.
Qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sọ não đã xác định người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não trái, nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do tắc một nhánh động mạch mạch máu não trái của hệ tuần hoàn não.
Đột quỵ tưởng say rượu
Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có tiền sử bị mỡ máu cao, thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá. Tuy nhiên 1 ngày trước, người bệnh xuất hiện các biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) như tê yếu một bên tay và chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, khó nói… nhưng người bệnh chủ quan nghĩ mình bị say rượu nên chỉ nghỉ ngơi tại nhà.
Sau đó, khi đang điều khiển xe ô tô tham gia giao thông, người bệnh bị đột quỵ đột ngột dẫn đến xảy ra va chạm. Người bệnh được đưa đến cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.
Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp nội mạch để lấy bỏ cục huyết khối tắc cho người bệnh bằng phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Từ đó các cục huyết khối sẽ được lấy ra và tái thông mạch máu tưới não cho người bệnh nhằm cứu sống và hạn chế tối đa các di chứng cho người bệnh.
May mắn người bệnh đã vào bệnh viện kịp thời và được can thiệp kịp “giờ vàng”, tránh được các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra. Sau khi đã được cấp cứu kịp thời, người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên nhấn mạnh, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra trước khi khởi phát đột quỵ nghiêm trọng trước khoảng vài giờ hoặc một ngày, một tuần. Những dấu hiệu trước khi đột quỵ hay dấu hiệu cảnh báo đột quỵ này có thể xảy ra duy nhất một lần hoặc lặp lại nhiều lần với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Thời điểm khởi phát đột quỵ sau khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thường khó được xác định chính xác. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, các bệnh nền, sức khỏe tổng thể, thói quen sinh hoạt của người bệnh.
“Như đối với người bệnh này chủ quan là say rượu chứ không nghĩ đến đột quỵ. Bởi các biểu hiện trước khi đột quỵ này thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với vấn đề sức khỏe thông thường khiến nhiều người chủ quan bỏ qua cơ hội được cứu chữa. Nhận biết trước các dấu hiệu đột quỵ là cơ hội giúp chủ động đưa người bệnh đi khám, cứu sống và bảo toàn tối đa chức năng thần kinh và tính mạng của người bệnh”, bác sĩ Yên chia sẻ.
Các dấu hiệu đột quỵ
Theo bác sĩ Yên, đột quỵ xảy ra đột ngột, với những biến chứng nghiêm trọng như nói khó, yếu tay – chân, sa sút trí tuệ, hoặc liệt hoàn toàn nửa người, viêm phổi…. thậm chí, tử vong nếu không được cấp cứu kip thời.
Vì vậy, khi gặp các triệu chứng của đột quỵ như: miệng méo, vận động yếu và khó cử động tay chân, nói ngọng, nói không tròn vành rõ chữ, giao tiếp khó khăn… dù chỉ thoáng qua trong thời gian ngắn, cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn.
"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não được khuyến cáo trong 3 - 4,5 giờ đầu (kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên). Cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.
Thời gian cấp cứu càng lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, lâu phục hồi, thậm chí không thể phục hồi, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Yên cũng cảnh báo, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và ngày càng gia tăng nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan về sức khỏe của chính bản thân mình, nghĩ rằng còn trẻ thì sức khỏe tốt nên không khám sức khỏe, thường bỏ qua các dấu hiệu nhận biết bệnh dẫn đến việc nhập viện muộn và gây khó khăn trong điều trị.
Các nguy cơ gây nên đột quỵ như thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động, thừa cân, béo phì, thức khuya, stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc… đều làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi.
"Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người nên chủ động phòng tránh ngay cả khi chưa xuất hiện các dấu hiệu trước khi đột quỵ, bằng cách: tự nâng cao nhận thức về phòng tránh đột quỵ, biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín có đủ điều kiện điều trị đột quỵ nhằm đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Người dân cần có lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá và rượu bia và đi khám định kỳ để phát hiện sớm nhất các triệu chứng của đột quỵ…", bác sĩ Yên khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.