Chi phí khám chữa bệnh BHYT mới tính 4/7 yếu tố cấu thành, nhiều bệnh viện "than trời" vì vượt trần, vượt quỹ

Diệu Linh Thứ tư, ngày 03/08/2022 06:06 AM (GMT+7)
Chiều 2/8, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Bình luận 0

Hội nghị có sự tham dự của đại diện BHXH, Bộ Y tế và nhiều BHXH các tỉnh, TP lớn, các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội, BV Chợ Rẫy...

Đề xuất tính đúng tính đủ giá viện phí BHYT

Chi phí khám chữa bệnh BHYT thấp, chưa tính đúng tính đủ khiến nhiều cơ sở y tế kêu khổ vì tình trạng vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Là địa phương thường xuyên rơi vào tình trạng "vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT", ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An có địa bàn rộng, dân số đông, tỷ lệ người dân tham gia BHYT còn chưa cao, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên thường gặp khó khăn từ quy định khoán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Theo ông Chỉnh, hiện chi phí khám chữa bệnh BHYT còn quá thấp, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành dịch vụ y tế, trong khi nhiều bệnh viện lại phải tự chủ nên bệnh viện thu không đủ chi. Hiện nay hầu như các BV trên địa bàn Nghệ An (trừ BV tâm thần) đều đã thực hiện tự chủ.

Nhiều khó khăn trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cần giải quyết - Ảnh 1.

Chiều 2/8, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ảnh BHXH VN

"Đề nghị Bộ Y tế sớm thực hiện đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm sức ép lên các cơ sở y tế", ông Chỉnh kiến nghị.

Về điều này, ông Lê Thành Công- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, giá dịch vụ y tế BHYT chưa tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá trong khi các bệnh viện lại phải chạy theo tự chủ kinh tế, cũng không có quy định ngân sách Nhà nước được cấp bù nên các cơ sở y tế đang bị ảnh hưởng, nhất là tuyến cơ sở.

Theo ông Công, hiện Vụ Kế hoạch Tài Chính đang thảo luận về lộ trình sớm tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế BHYT.

Còn hiện Hiện Bộ Y tế đã soạn thảo Thông tư về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét nếu không tác động nhiều đến CPI toàn quốc thì sớm ban hành...

Ngoài ra, tại Hội nghị, PGS.Đào Xuân Cơ- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) và TS Nguyễn Trí Thức- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cùng bày tỏ lo ngại về những chi phí bị "treo" từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định 151.

Hiện tại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chưa có căn cứ để thanh toán các chi phí này. 

Đại diện các BV đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất giải pháp thanh toán phù hợp với thực tế sử dụng của cơ sở y tế, đề nghị sửa đổi các quy định sát với thực tế hơn để không lãng phí các máy đặt, máy mượn.

Về vướng mắc về chi phí từ máy mượn, máy đặt tại các BV công, ông Công cho biết, Bộ Y tế đang trình Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ các máy này vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về máy xã hội hóa theo thực tiễn hiện nay trong quá trình sửa đổi Nghị định 151.

Còn theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đang gấp rút thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, sửa đổi thông tư về định mức kỹ thuật, danh mục dịch vụ kỹ thuật, rút gọn từ trên 18.000 dịch vụ xuống còn khoảng 10.000 dịch vụ tương đương để thuận lợi cho việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Nhiều khó khăn trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cần giải quyết - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, công tác tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT thời gian qua cũng cho thấy một số hạn chế, vướng mắc. Ảnh BHXH VN

Nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT cần giải quyết

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, công tác tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT thời gian qua cũng cho thấy một số hạn chế, khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện về BHYT.

Cụ thể như các quy định về thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế; vấn đề xác định tổng mức thanh toán quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Một số chi phí khám chữa bệnh vượt dự toán, vượt trần thanh toán của các năm trước chưa được xử lý triệt để;

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh BHYT xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua...

Trong đó, có những khó khăn vướng mắc cần được điều chỉnh qua văn bản pháp luật. Nhưng có những khó khăn hoàn toàn có thể tháo gỡ trong hoạt động nghiệp vụ, cần sự đồng thuận giữa hai ngành BHXH và Y tế.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn các cơ sở y tế xác định nguyên nhân vượt trần, vượt quỹ; tổ chức thẩm định, tổng hợp báo cáo Hội đồng quản lý xem xét thông qua hoặc trình Thủ tướng quyết định theo thẩm quyền (đối với các chi phí vượt dự toán). 

Các chi phí vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao là gần 6.000 tỷ đã được BHXH thẩm định, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thanh toán bổ sung. Sau khi được thanh toán bổ sung, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp xác định lại tổng mức thanh toán năm 2019, giải quyết các chi phí vượt dự toán năm 2019. Tương tự như vậy đối với năm 2020. 

"Đến thời điểm này, các chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán trước năm 2020 đã được cơ bản giải quyết do vậy đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn về kinh phí cho các cơ sở y tế. Cơ quan BHXH không nợ chi phí khám chữa bệnh của các cơ sở y tế, các chi phí tồn đọng là do chưa đủ căn cứ đưa vào quyết toán theo quy định", ông Phúc trao đổi.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem