Trường làm đúng phận sự
Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền một bản thông báo của Trường Tiểu học Hà Nội (Ba Đình, Hà Nội), trong đó có “bút phê” của phụ huynh phản đối nhà trường thu tiền bảo hiểm.
Quỹ BHYT đã hỗ trợ nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường. Ảnh minh họa Diệu Linh
Năm học 2017- 2018 cũng là năm đầu tiên Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện cấp mã số BHYT định danh duy nhất cho mỗi người tham gia. Mã số này sẽ gắn với quá trình tham gia BHYT, BHXH suốt đời của mỗi người, được cập nhật liên tục, giảm thủ tục khai báo lại thông tin của người tham gia khi cấp lại thẻ BHYT”.
Ông Trần Đình Liệu
|
Theo đó, Trường Tiểu học Hà Nội đã ra thông báo về việc thu tiền bảo hiểm năm học 2017 – 2018. Số tiền BHYT là 492.000 đồng (thời hạn 1.1.2018 – 31.12.2018) và bảo hiểm thân thể 100.000 đồng (thời hạn 1.10.2017 – 30.9.2018). Phụ huynh có tên Phạm Văn Phong đã “bút phê” phía dưới ý kiến của mình như sau: "Nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm. Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm, tôi sẽ chủ động liên hệ với công ty bảo hiểm nào mà tôi tín nhiệm để mua trực tiếp chứ nhất định không thông qua khâu trung gian môi giới. Yêu cầu Trường Tiểu học Hà Nội không làm phiền cha mẹ học sinh bằng việc làm không đúng chức năng này".
Bà Võ Minh Thảo - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Hà Nội cho biết, thu phí bảo hiểm là thực hiện nhiệm vụ mà UBND quận Ba Đình giao. BHYT là bắt buộc, nhà trường chỉ sơ xuất không ghi rõ bảo hiểm thân thể là bảo hiểm tự nguyện để phụ huynh lựa chọn mua hay không mua.
Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã không ngớt lời bàn cãi về việc đóng BHYT cho con. Nhiều người cũng đồng tình với việc bán BHYT là của cơ quan bảo hiểm, nhà trường chắc có “xơ múi” gì mới nhiệt tình thế.
Về điều này, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, trách nhiệm vận động thực hiện tham gia BHYT là của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong Luật BHYT cũng đã quy định rõ ràng trách nhiệm của nhiều cơ quan ban ngành, trong đó quy định trách nhiệm của Bộ GDĐT là hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với đối tượng thuộc ngành quản lý (học sinh, sinh viên); hướng dẫn chỉ đạo lập danh sách tham gia BHYT. Vì thế, các trường sẽ có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan BHXH để lập danh sách, thu phí BHYT là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của nhà trường.
1,5 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT đã tăng dần trong những năm gần đây. Năm học 2013 - 2014, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 85%; năm học 2016 – 2017 đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu học sinh, sinh viên có thẻ BHYT.
“Tuy nhiên vẫn còn tới 7,5% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, tương ứng với khoảng 1,5 triệu người. Đây là con số không nhỏ và là thách thức trong công tác triển khai chính sách BHYT năm học 2017-2018” - ông Vũ Mạnh Chữ - Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) nói.
Theo ông Chữ, một trong những nguyên nhân chính của số lượng người chưa tham gia BHYT là do một bộ phận người dân còn nhận thức hạn chế về chính sách bắt buộc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên. Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường.
Ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho biết thêm, ngoài việc được Quỹ BHYT chi trả đến 80% chi phí khám chữa bệnh, nhóm học sinh, sinh viên đang hưởng thụ nhiều lợi ích việc khám chữa bệnh bằng BHYT hơn hẳn các nhóm khác. Theo quy định, học sinh sinh viên khi mua BHYT sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ (giảm từ hơn 700.000 đồng xuống còn 492.000 đồng/em). BHXH Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Nếu vậy, học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo trường lớp có lợi ích rất nhiều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.