Ở khối Y - Dược, tại khu vực phía Nam hiện mới chỉ có ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ 21 điểm trở lên với các ngành Y Đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược. Các ngành còn lại từ 17 điểm. Tuy nhiên, do chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 1.250 trong khi lượng đăng ký tăng vọt lên hơn 16.000 hồ sơ (gấp 4 lần năm ngoái) nên điểm chuẩn trúng tuyển năm nay chắc chắn sẽ tăng rất cao.
Nguyên nhân là vì những năm trước, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển sinh giới hạn với thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM, nên nguồn tuyển cũng không dồi dào, và vì thế điểm chuẩn không cao bằng một số trường ĐH Y dược hàng đầu như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y Hà Nội...
Thế nên, việc mở rộng vùng tuyển sinh cả nước cùng với phổ điểm cao như năm nay, nhiều khả năng điểm chuẩn trúng tuyển vào trường sẽ đẩy lên rất cao chứ không chỉ ở mức “vừa phải” như năm 2016 khi điểm chuẩn vào ngành Răng - Hàm - Mặt chỉ với 23,2 điểm, tiếp đó là Y đa khoa 22,8 điểm; Xét nghiệm y học 22,5 điểm.
Trong khi đó, 2 đơn vị đào tạo ngành Y - Dược tại TP.HCM khác là ĐH Y Dược TP.HCM và Khoa Y (ĐH Quốc Gia TP.HCM) đến thời điểm hiện tại cũng chưa công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký. Theo đại diện các trường, điểm thi của thí sinh năm nay cao nên dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng. Tuy nhiên do phải cân nhắc nhiều yếu tố nên Hội đồng tuyển sinh nhà trường còn họp để xác định đưa ra mức điểm dự kiến nhận hồ sơ sao cho hợp lý nhất.
Được biết, năm 2016, điểm chuẩn trúng tuyển vào Khoa Y (ĐHQG TP.HCM) ở ngành Y Đa khoa là 25,5 điểm; ngành Dược học là 25 điểm. Riêng với ĐH Y Dược TP.HCM, mức điểm trúng tuyển dao động từ 20,5 đến 26,75 điểm; trong đó cao nhất là Y Đa khoa với 26,75 điểm; kế đến là Răng - Hàm - Mặt với 26 điểm và Dược học là 25,25 điểm.
Trong khi đó, tại phía Bắc, ĐH Y Hà Nội dù thông báo sẽ nhận hồ sơ có mức điểm bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD ĐT (15,5 điểm) với khối B. Tuy nhiên, một đại diện của trường này cho biết khả năng điểm chuẩn trúng tuyển năm nay sẽ nhỉnh hơn năm 2016, nhất là với các ngành “hot” như Y Đa khoa, Răng - Hàm - Mặt... khi phổ điểm năm nay cao hơn và lượng thí sinh điểm cao cũng nhiều hơn năm trước.
Được biết, năm 2016 ngành Y Đa khoa của ĐH Y Hà Nội có điểm trúng tuyển lên tới 27 điểm; ngành Răng - Hàm - Mặt có điểm trúng tuyển là 26,75 điểm, nên nhiều khả năng điểm chuẩn của các ngành này năm nay sẽ cao hơn.
Trong khi đó, ĐH Dược Hà Nội, ngưỡng điểm sàn của trường năm nay là 22 điểm với tổ hợp các môn khối A (Toán - Lý - Hóa). Tuy nhiên, năm 2016, điểm trúng tuyển vào trường là 26,75 điểm nên đây cũng là căn cứ để thí sinh cân nhắc khi điều chỉnh hồ sơ xét tuyển vào trường.
Riêng Khoa Y Dược (ĐHQG Hà Nội), mức điểm nhận hồ sơ ngành Dược học (khối A) và Y Đa khoa (khối B) là 21 điểm, ngành Răng - Hàm - Mặt từ 18 điểm.
Với khối Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng, điểm nhận hồ sơ các ngành này cũng khá cao.
Tại ĐH Ngoại thương, cơ sở Hà Nội và TP.HCM đều lấy mức điểm nhận hồ sơ khối A là 22,5 điểm, các khối còn lại là 21,5 điểm. Tuy nhiên, do phổ điểm năm nay khá cao nên khả năng điểm trúng tuyển năm nay sẽ tăng cao hơn năm trước. Được biết, năm 2016, điểm thấp nhất của khối A vào trường là 25,8 điểm; trong khi đó ngành Kinh tế, Luật trong nhóm NTH01 thì điểm sàn trúng tuyển là 26,45 điểm
Trong khi đó, tại ĐH Tài chính Marketing, năm nay điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 điểm. Tuy nhiên, chỉ có ngành “hot” của trường là Marketing và Quản trị Khách sạn nhận mức điểm 19, các ngành còn lại đều nhận mức điểm từ 15,5 đến 18 điểm.
Còn tại ĐH Kinh tế TP.HCM, nhóm ngành Kinh doanh thương mại (Tài chính ngân hàng, Kế toán...), Quản trị Kinh doanh, Luật, Ngôn ngữ Anh nhận hồ sơ mức điểm 20; nhóm ngành còn lại gồm Kinh tế và Hệ thống thông tin quản lý chỉ nhận mức điểm 18.
Ở khối xã hội, các ngành Báo chí, Quan hệ công chúng... có điểm sàn nhận hồ sơ khá cao so với mặt bằng chung.
Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), các ngành “hot” lấy điểm sàn cao đến 20 điểm gồm: Báo chí, Đông phương học, Quan hệ công chúng, Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn và Tâm lý học. Tất cả các ngành còn lại đều lấy 17 điểm.
Còn tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền, ngành Báo chí lấy điểm cao nhất với 18 điểm, kế đến là ngành Quản lý kinh tế với 16,5 điểm, các ngành còn lại đều lấy 16 điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.