Nhìn lại hơn 1 tháng "căng mình" chống dịch Covid-19 của Hải Dương

Chủ nhật, ngày 07/03/2021 10:03 AM (GMT+7)
Bí thư tỉnh ủy Hải Dương nhìn nhận, giai đoạn đầu, khi số ca Covid-19 bùng lên ở qui mô lớn, các kịch bản ứng phó không đáp ứng được, địa phương có phần lúng túng. Tới nay, thế chủ động đã trở lại...
Bình luận 0

Số lượng quá lớn, chúng tôi không biết cách ly như thế nào!

Nhớ lại thời điểm dịch bùng phát tại công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam (TP Chí Linh, Hải Dương) ngày 27/1, ông Hoàng Quốc Thưởng - Bí thư Thành ủy TP Chí Linh cho biết, dịch bùng phát tại nhà máy nằm trong khu công nghiệp tiếp giáp với nhiều phường xung quanh, dân cư rất đông, nguy cơ dịch lan rộng rất cao.

Công nhân của công ty POYUN đến từ 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Trong số hơn 5.000 công nhân của công ty POYUN đã phát hiện ra rất nhiều ca F0. Trong 3 ngày đầu tiên sau khi phát hiện ổ dịch ở công ty POYUN, đã có gần 200 công nhân được xác định mắc Covid-19.

Nhìn lại hơn 1 tháng "căng mình" chống dịch Covid-19 của Hải Dương - Ảnh 1.

Công ty POYUN - "ngòi nổ" của đợt dịch tại tỉnh Hải Dương vừa qua.

"Số lượng lớn quá, ban đầu chúng tôi không biết cách ly tập trung như thế nào. Sau khi tham khảo ý kiến lãnh đạo tỉnh, chúng tôi xác định vừa triển khai vừa học hỏi. Thành ủy đã họp thống nhất là ở đâu có F0 thì phong tỏa khu vực đó", ông Thưởng chia sẻ

Trên cơ sở kết  quả rà soát của các chuyên gia Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, TP Chí Linh thời điểm đó đã phong tỏa 27 khu dân cư; 12 xóm, tổ dân phố; 31 nhóm, hộ gia đình và 3 phường. Con số F1 tăng từ 3.000 người lên hơn 6.500 người, với trên 35.000 dân trong khu phong tỏa đặc biệt.

Theo ông Thưởng, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Trung ương và tỉnh Hải Dương, địa phương này đã nhanh chóng làm chủ được tình hình, "khóa chặt" ổ dịch ở công ty POYUN.

Quá tải xét nghiệm

Từ "ngòi nổ POYUN", dịch Covid-19 đã lan ra 12/12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương.

Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, thời điểm cao nhất toàn tỉnh đã tổ chức 203 điểm cách ly tập trung (69 khu tuyến huyện và 134 khu tuyến xã), cách ly hơn 16.000 người (trong đó riêng TP Chí Linh từ 27/1 đến 31/1 đã tổ chức cách ly hơn 6.000 người tại 33 khu cách ly tập trung); thực hiện phong tỏa 21 khu dân cư, 4 thôn, 1 xã và 2 huyện/thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu cho biết, trong 3 ngày đầu tiên sau khi phát hiện ổ dịch POYUN, đã có gần 200 công nhân mắc Covid-19, hơn 10.000 người được lấy mẫu xét nghiệm. Đây là thách thức lớn với ngành y tế.

Thời điểm đó, tổng công suất của 4 phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Hải Dương chỉ đạt 1.080 mẫu đơn/ngày và khoảng 3.000 mẫu gộp/ngày.

"Trong giai đoạn đó, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương… việc xét nghiệm đã được bù đắp kịp thời", ông Cầu cho biết.

Nhìn lại hơn 1 tháng "căng mình" chống dịch Covid-19 của Hải Dương - Ảnh 2.

Bệnh viện dã chiến số 3.

Về công tác thu dung, điều trị, ông Cầu cho biết, ngày 28/1, được sự hỗ trợ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hải Dương đã triển khai thành lập ngay Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với qui mô 200 giường bệnh.

Ngày 29/1, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai lập thêm Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, qui mô 350 giường bệnh và có thể nâng lên 500 giường bệnh khi cần.

Đến ngày 26/2, Bệnh viện Dã chiến số 3 (cơ sở 2 của Bệnh viện đa khoa tỉnh, qui mô 240 giường bệnh) tại Trường Đại học Sao Đỏ Chí Linh chính thức đi vào hoạt động.

"Bệnh viện Dã chiến số 3 thành lập không chỉ để giảm tải cho 2 bệnh viện dã chiến 1 và 2 mà có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 lâu dài trên địa bàn tỉnh, để đưa Trung tâm y tế  TP Chí Linh và Bệnh viện Trường Đại  học Kỹ thuật y tế Hải Dương trở lại hoạt động khám chữa bệnh thông thường", ông Cầu giải thích.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng đánh giá, từ khi có dịch Covid-19 ở Việt Nam đến nay, chưa có địa phương nào phải tổ chức cách ly tập trung lên đến 16.000 người thuộc diện F1 như Hải Dương trong đợt dịch nói trên.

Ông Phu dẫn chứng trường hợp thành phố Chí Linh, chỉ trong 24 giờ phải xử lý cách ly khẩn cấp cho hơn 2.300 công nhân của công ty POYUN để "khóa chặt" ổ dịch này. Đó là việc không đơn giản.

Tổ "Covid cộng đồng" là một điểm sáng

Nhìn lại hơn 1 tháng "căng mình" chống dịch Covid-19 của Hải Dương - Ảnh 3.

"Tổ Covid cộng đồng" ở Hải Dương đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống dịch tại địa phương.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Đoàn công tác Bộ Y tế tại Hải Dương đánh giá, Hải Dương cũng đã rất nhanh chóng và tập trung cao với việc lập "Tổ Covid cộng đồng". Đến nay việc thành lập và đưa vào hoạt động của tổ "Covid cộng đồng" tại đây là một điểm sáng, thêm kinh nghiệm cho cả nước.

Hiện tại, toàn tỉnh Hải Dương đã thành lập được khoảng 11.000 tổ "Covid cộng đồng" với gần 2,5 vạn người tham gia. Các tổ hoạt động này hàng ngày "đi từng ngõ, gõ từng nhà", hỗ trợcông tác giám sát và phòng chống dịch của tỉnh Hải Dương.

Ông Dương lưu ý, tình hình dịch ở Hải Dương đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện tốt, quyết liệt các biện pháp phòng chống. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng mầm bệnh là người lành mang trùng có thể đã đi vào cộng đồng. Thực tế, đợt dịch do chủng virus mới gây ra lần này đã phát hiện tỷ lệ người lành mang trùng rất cao.

Vị chuyên gia cảnh báo, nguồn lây là người lành mang trùng vẫn luôn là nguy cơ thường trực cho cộng đồng và có thể sẽ gây ra các ca mắc mới không rõ nguồn gốc bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.

Nhìn lại hơn 1 tháng "căng mình" chống dịch Covid-19 của Hải Dương - Ảnh 4.

Ông Phạm Xuân Thăng khẳng định đến nay đã hoàn toàn chủ động, kiểm soát được dịch bệnh.

Tổng kết 1 tháng chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ, đợt bùng phát dịch vừa qua trên địa bàn có tính chất nghiêm trọng và quy mô rất lớn, nên các kịch bản phòng chống dịch mà Hải Dương xây dựng trước đó đã không đáp ứng được "tình hình mới". Do đó, giai đoạn đầu, công tác chống dịch của Hải Dương có phần lúng túng, bị động, nhưng sau đó, tỉnh đã nỗ lực chuyển sang thế chủ động.

"Đến bây giờ chúng tôi khẳng định là hoàn toàn chủ động, đã kiểm soát được dịch bệnh. Có thể trong những ngày tới, tại Hải Dương vẫn xuất hiện những ca bệnh mới trong khu cách ly, thậm chí có thể có những ca bệnh ngoài cộng đồng nhưng đến thời điểm này không phải quá lo lắng, bởi chúng tôi đã có đầy đủ kinh nghiệm, đầy đủ công cụ, nhân sự cho việc kiểm soát dịch một cách chủ động", ông Thăng quả quyết.

Nhìn lại hơn 1 tháng "căng mình" chống dịch Covid-19 của Hải Dương - Ảnh 5.

Từ 0h ngày 3/3, tỉnh Hải Dương kết thúc 15 ngày cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng; gỡ bỏ phong tỏa TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng (Ảnh: Đỗ Linh).

Theo báo cáo của Trung tâm  Kiểm soát bệnh tật Hải Dương, từ 17h ngày 5/3 đến 17h ngày 6/3, tỉnh này ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 mới, trong đó huyện Kim Thành có 3 ca, Kinh Môn có 3 ca. Tất cả các trường hợp này đều là F1 của các bệnh nhân trước đó, đã được cách ly tập trung.

Tính từ ngày 27/1 tới nay, Hải Dương đã có 707 ca mắc Covid-19, trong đó 344 bệnh nhân đã khỏi bệnh, ra viện.

*Tiều đề do Dân Việt đặt lại

Nguyễn Dương (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem