Nhìn lại V.League 2012: Đau đầu với “bệnh cũ”

Thứ ba, ngày 21/08/2012 06:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cách đây hơn nửa năm, việc VPF ra đời được kỳ vọng như một “cuộc cách mạng”. Nhưng sau khi V.League 2012 kết thúc, tất cả lại phải thất vọng vì những “căn bệnh” cũ vẫn chưa được trị tới nơi tới chốn...
Bình luận 0

VPF đã làm được gì?

Câu chuyện khiến VPF tốn nhiều tâm huyết nhất chính là “cuộc chiến” giành lại bản quyền truyền hình V.League từ Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG), và họ đã thành công. Phía trước, chưa biết VPF sẽ kinh doanh thế nào cho hiệu quả nhất với “món hàng” mình có trong tay.

img
Các quan chức VPF còn rất nhiều việc phải làm sau khi mùa giải 2012 khép lại. Minh Hoàng

Nhưng thời gian qua, V.League đã “phủ sóng” khá rộng tới người hâm mộ cả nước qua các kênh truyền hình quảng bá, đó là mặt được. Và càng vui hơn khi tổng số khán giả tới sân ở V.League 2012 là 1.412.500 người, trung bình 7.760 người/trận, nhiều hơn V.League 2011 (tổng số khán giả là 1.346.000 người, trung bình 7.395 người/trận).

Thêm nữa, với sự xuất hiện của VPF, chế độ của các trọng tài cũng được cải thiện rất nhiều (8 và 5 triệu đồng lần lượt với trọng tài chính, trợ lý trọng tài V.League so với trước đây là 3 và 2 triệu đồng; 5 và 3 triệu đồng lần lượt với trọng tài chính, trợ lý trọng tài hạng Nhất so với trước đây là 2 và 1 triệu đồng-PV). Bên cạnh đó, các chi phí ăn, ở, đi lại đều được VPF “bao”.

Điều này giúp giới cầm còi yên tâm làm nhiệm vụ. Ông Dương Vũ Lâm - Trưởng ban Trọng tài VFF đánh giá: “Nhìn chung cả mùa giải, công tác trọng tài có sự tiến bộ, được các đội bóng tín nhiệm hơn. Các vòng đấu cuối đều được các trọng tài điều hành tốt”.

Đau đầu với “bệnh cũ”

Vấn đề là “bệnh cũ” của bóng đá Việt Nam vẫn ngang nhiên hoành hành bất chấp mọi lời cảnh báo, răn đe từ phía VFF, VPF: Bạo lực sân cỏ, nạn hooligan, “nhường điểm”... Vòng đấu áp chót, một loạt trận đấu “có mùi” xuất hiện nhưng đều được VPF chấp nhận cho qua sau khi họp với BTC giải, Ban Kỷ luật VFF, Ban Tư vấn đạo đức.

Trao đổi với NTNN sáng qua (20.8), chuyên gia Nguyễn Văn Vinh - Phó ban Tư vấn đạo đức cho biết: “Trong cuộc họp mổ xẻ các trận đấu vòng 25 V.League, tôi đã đưa ra những dẫn chứng về sự sa sút bất thường của một số đội bóng, nhưng cuối cùng BTC giải chỉ nhận định ngắn gọn là “không phát hiện thấy tiêu cực”.

Thực tế, chúng tôi yêu cầu phải có văn bản, tài liệu… về vòng đấu muộn nhất vào thứ 3 để nghiên cứu, nhưng tới buổi chiều ngày họp (thứ 4, ngày 15.8-PV) mới được biết những vấn đề nổi cộm thì làm sao có được cái nhìn toàn diện, chính xác?”.

Về kết cục V.League 2012, ông Vinh nói: “Ai bất ngờ chứ tôi thì không. Ai đó có thể trách Hà Nội T&T nhưng cần biết rằng họ gặp Sài Gòn.XT với 2 nhiệm vụ: Hoặc thắng để vô địch, hoặc cản bước đối phương để SHB. Đà Nẵng vô địch. Ở góc độ đó, Hà Nội T&T đã hoàn thành nhiệm vụ. Người đáng trách nhất chính là những người đã chấp nhận, để cho tình trạng 2 đội chung 1 chủ tồn tại, thay vì phải loại bỏ từ đầu mùa giải 2012”.

Một giả thuyết khác là ở vòng cuối, trong trường hợp CLB Hà Nội của bầu Kiên bị V.Hải Phòng dẫn bàn và đứng trước nguy cơ rớt hạng (thay vì dễ dàng thắng 5-0) thì liệu các trọng tài có đủ bản lĩnh “dửng dưng” trước số phận đội bóng của một ông bầu có tiếng nói đặc biệt ở VPF?

Và xem ra, sau khi tìm được cách chấm dứt tình trạng 1 ông chủ 2 đội bóng, “bầu Kiên và những người bạn” còn phải tính tới (và thực hiện) một việc khó hơn là rút khỏi VPF “để cuộc chơi công bằng, sòng phẳng” như lời ông Lê Hùng Dũng-Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Làm được như vậy, tất cả mới phục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem