NHNN “tuyên bố” xử lý nghiêm trường hợp cố tình gây khó khăn, phiền hà

Huyền Anh Thứ năm, ngày 14/05/2020 19:01 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp (DN) đề nghị với Ngân hàng Nhà nước "rà soát các văn bản hiện còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các gói hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để DN tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, tạo điều kiện cho DN thúc đẩy, tái khởi động sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch.
Bình luận 0

Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, được tổ chức ngày 14/5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng tháng 1 đạt 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 khoảng 1,2%. Như vậy, trong nửa đầu tháng 5/2020, tín dụng đã giảm 0,22%.

"Mức giảm này cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa biết vay vốn để làm gì do không biết lấy nguyên liệu ở đâu, bán cho ai", ông Hùng nói.

Thực tế, thời gian qua ngành ngân hàng đã ban hành những chính sách kịp thời thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là qua những thông tư, hướng dẫn về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại giảm lãi cho các khoản vay mới nhằm thúc đẩy doanh nghiệp vực dậy sản xuất, kinh doanh.

Ghi nhận những nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua trong việc đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 289 nghìn doanh nghiệp, bình quân 34 người dân Thủ đô/1 doanh nghiệp, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97,2 % số doanh nghiệp trên địa bàn, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiệp hội đề nghị ngành ngân hàng cần có nhiều giải pháp hỗ trợ thủ tục vay vốn được thuận lợi hơn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày một phát triển.

Vị đại diện hiệp hội cũng đề nghị với Ngân hàng Nhà nước "rà soát các văn bản hiện còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thức đẩy, tái khởi động sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh".

Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, hội có hơn 800 hội viên cá thể và tập thể, tạo công ăn việc làm cho gần 30.000 lao động trên địa bàn. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã gây những ảnh hưởng nặng nề đối với cả doanh nghiệp và người lao động.

Theo khảo sát của hội này, gần 20% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 70% ảnh hưởng nhiều và chỉ có hơn 10% doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít. Do đó, có tới 20% doanh nghiệp suy giảm từ 40 đến 90% doanh thu và thực tế gần 20% doanh nghiệp suy giảm 100%.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra bộ tiêu chí cụ thể đối với gói tín dụng 300.000 tỷ đồng để phân loại các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi dịch bệnh theo các mức hộ trợ tương ứng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các biện pháp chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản để giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước. "Tính từ thời điểm dịch Covid, nếu doanh nghiệp bị vi phạm thời gian trả nợ thì không bị tính vào "uy tín tín dụng" của doanh nghiệp", đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội kiến nghị.

DN đề nghị hỗ trợ, NHNN “tuyên bố” xử lý nghiêm trường hợp cố tình gây khó khăn, phiền hà cho DN - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Mặc dù chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, song ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, doanh nghiệp cũng cần thấu hiểu, chia sẻ với ngân hàng.

Ông Hùng lý giải, hiện nay, dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, nợ xấu có nguy cơ tăng lên, ngân hàng phải thận trọng rót vốn. Thứ hai, có những khách hàng đã gửi đơn đề nghị giãn hoãn nợ cách đây vài năm, rơi vào tình trạng nợ quá hạn trước khi dịch xảy ra – đối tượng này không được xem xét giãn nợ, cơ cấu nợ - song lợi dụng dịch bệnh lại kêu ca mạnh hơn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản nghiêm cấm tình trạng trục lợi chính sách.

Thứ ba, dù các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng nhu cầu khách hàng sụt giảm, nhiều DN chưa có phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, gây khó khăn cho ngân hàng trong đầu tư vốn.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp khi vay vốn không có tài sản đảm bảo, nếu không có dự án kinh doanh khả thi, không cho ngân hàng quản lý dòng tiền thì ngân hàng không thể cho vay.

"Chúng tôi biết doanh nghiệp khó khăn, song ngân hàng cũng cần quản lý dòng tiền, mong doanh nghiệp hiểu và chia sẻ với ngân hàng. Ngân hàng không thiếu vốn cho vay và cũng cần phải cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng các doanh nghiệp cần chủ động trong việc chứng minh được hiệu quả của dự án", ông Hùng đề nghị.

Trước những chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, trao đổi với các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các đơn vị cần chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.

"Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời, xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm", Phó Thống đốc lưu ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem