Nhóm "cò" bao xe quá tải qua Trạm CSGT Suối Tre đối mặt khung hình phạt nào?
Nhóm "cò" bao xe quá tải qua Trạm CSGT Suối Tre đối mặt khung hình phạt nào?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 15/10/2022 18:17 PM (GMT+7)
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam nhóm đối tượng chuyên "cò" xe quá tải qua Trạm CSGT Suối Tre. Nhóm này có thể bị xử lý thế nào?
Bắt nhóm "cò" bao xe quá tải qua Trạm CSGT Suối Tre
5 đối tượng bị khởi tố, bắt giam gồm: Trần Quang Tân, Nguyễn Đăng Khoa, Trương Công Quang, Đặng Văn Út và Nguyễn Văn Hậu (đều ngụ tại TP Long Khánh và huyện Xuân Lộc). Họ bị khởi tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đến người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Trước đó, nhận tin báo tố giác về tội phạm liên quan đến nhóm đối tượng có hành vi "cò" để cho các xe quá tải qua các trạm tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1 mà không bị xử phạt, Công an tỉnh Đồng Nai lập chuyên án đấu tranh.
Quá trình điều tra, công an đã thu thập các bằng chứng, tài liệu liên quan xác định các đối tượng trên cấu kết với nhau để "bao" cho nhiều chuyến xe quá tải lưu thông trót lọt qua tuyến Quốc lộ 1 đi qua các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom và TP Long Khánh.
Theo xác minh, Khoa, Quang, Út và Hậu kết nối với các tài xế và nói xe quá tải muốn qua địa bàn được trót lọt phải đưa tiền "cò". Sau đó, các đối tượng hưởng một phần, còn lại chuyển cho Tân để "lo liệu".
Để xe quá tải đi qua địa bàn trót lọt, nhóm đối tượng tìm cách nắm lịch trình các tổ tuần tra để báo cho tài xế nhằm tránh bị kiểm tra, xử phạt và tìm cách can thiệp vào các tổ tuần tra.
Bên cạnh đó, các đối tượng tìm cách can thiệp vào các tổ tuần tra. Các đối tượng này đã thu lợi hàng tỷ đồng.
Quy định về tội danh nhóm "cò" bao xe quá tải qua Trạm CSGT Suối Tre bị khởi tố
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội "Lợi dụng ảnh hưởng đến người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" mà nhóm đối tượng trên bị khởi tố được quy định tại Điều 366 Bộ luật hình sự 2015.
Hành vi phạm tội xâm phạm đến uy tín, đến hoạt động đúng đắn của người có chức vụ quyền hạn, làm cho hoạt động của cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng.
Theo bà Thơ, lỗi của người phạm tội này là lỗi cố ý trực tiếp và động cơ phạm tội là vì vụ lợi.
Trong khi đó, hành vi khách quan của tội này là hành vi nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất. Hành vi nhận lợi ích có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian.
Thủ đoạn thực hiện hành vi nhận lợi ích nêu trên là thủ đoạn lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn vì giữa người phạm tội và người có chức vụ, quyền hạn tồn tại mối quan hệ nhất định và nhờ đó người phạm tội có ảnh hưởng nhất định đến người có chức vụ, quyền hạn.
Về hình phạt, vị luật gia cho biết, Điều 366 có 3 khung hình phạt. Trong đó, khung cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khung tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 2 đến 7 năm được áp dụng trong trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng như phạm tội 2 lần trở lên; Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm.
Khung tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 5 đến 10 năm được áp dụng trong trường hợp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.
Như vậy, sau khi bị khởi tố, người bị chứng minh có tội lợi dụng ảnh hưởng đến người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.