Nhóm đối tượng sàm sỡ người nước ngoài ở Hồ Tây có bị xử lý hình sự?

Nguyễn Đức Thứ bảy, ngày 06/03/2021 17:23 PM (GMT+7)
Nhóm đối tượng sàm sỡ người nước ngoài ở Hồ Tây (Hà Nội) đều dưới 18 tuổi, một số người còn dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, theo luật sư, nhóm đối tượng này vẫn có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, trước đó, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã triệu tập 3 nghi can: N.D.L. (16 tuổi), N.N.H. (15 tuổi), Đ.T.Đ. (16 tuổi, cùng ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) để làm rõ về vụ việc sàm sỡ người nước ngoài quanh khu vực Tây Hồ.

Tại cơ quan công an, 3 đối tượng bước đầu thừa nhận hành vi quấy rối, sàm sỡ người nước ngoài trên địa bàn. Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục mời các nạn nhân đến để lấy lời khai, xác nhận nghi phạm để làm rõ.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi của các đối tượng là rất nghiêm trọng đã xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác được pháp luật bảo vệ.

Nhóm đối tượng sàm sỡ người nước ngoài ở Hồ Tây có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Nạn nhân (bên phải) và hình ảnh đối tượng sàm sỡ (ngồi sau xe máy) bị chụp lại.

Đặc biệt, trong vụ việc này, các đối tượng chủ yếu nhằm vào những phụ nữ người nước ngoài làm ăn, sinh sống và đi lại tại khu vực quanh Hồ Tây, Hà Nội. Hành vi của các đối tượng không những xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà còn gây mất an ninh trật tự tại khu vực, gây hoang mang lo lắng cho người dân và ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. 

Hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội Làm nhục người khác. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo luật sư Thơm, trong vụ án này, theo thông tin ban đầu các đối tượng phạm tội chủ yếu là người dưới 18 tuổi, một số đối tượng còn dưới 16 tuổi và đang ở lứa tuổi trẻ em nên pháp luật hình sự nước ta có quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như sau.

Cụ thể, Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Nhóm đối tượng sàm sỡ người nước ngoài ở Hồ Tây có bị xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Như vậy, nếu có căn cứ xác định một số đối tượng tham gia trong vụ án này chưa đủ 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự.

"Tuy nhiên, với hành vi vi phạm này dù một số đối tượng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có thể chịu phải chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính theo điểm Điểm a khoản 1 Điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", luật sư Thơm thông tin.

Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội làm nhục người khác cụ thể như sau:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem