Không ít người trong chúng ta vẫn đoan chắc, rằng án chung thân truất quyền ân giảm là mức cao nhất chỉ sau án tử hình - mà nhiều quốc gia đã bãi bỏ từ lâu; đôi khi xét về khía cạnh tâm lý còn nặng nề hơn, bởi tù nhân phải sống trọn đời mình sau cánh cửa buồng giam. Nhưng không hẳn vậy, lịch sử tư pháp quốc tế thời hiện đại cho thấy có nhiều bản án cao gấp bội, ngang bằng với vô số án chung thân gộp lại khiến một đời người không thể “trang trải” hết. Dưới đây là vài trường hợp tiêu biểu.
Hơn 1,5 thế kỷ “nằm ấp” về tội cưỡng dâm
Tháng 9.2008, Tòa án thành phố Pittsburgh (tiểu bang Pennsylvania, Mỹ) đã ra phán quyết, tuyên phạt bị cáo Keith Woods 51 tuổi cư ngụ tại quận Highland Park mức án 160 năm tù giam, tương ứng với tội danh đã lần lượt đột nhập vào nhà hãm hiếp 5 phụ nữ.
Bị cáo Keith Woods được cảnh sát áp giải rời tòa sau khi có phán quyết.
Tuy bị cáo phủ nhận tội trạng và một mực cho rằng mình vô tội, nhưng kết quả phân tích ADN tại hiện trường đã tố cáo K. Woods là hung thủ. Theo các chuyên viên di truyền học, thì xác suất ADN không phải của K. Woods là 1/56 quintillion (1 quintillion = 1.000 tỉ tỉ hay 1.030) nghĩa là điều không thể xảy ra. Do vậy Hội đồng thẩm phán quyết định bản án 160 năm tù cho bị cáo là hoàn toàn xứng đáng.
845 năm tù giam vì lừa đảo và gian lận
Năm 2000, doanh nhân Sholam Weiss, 46 tuổi, người Mỹ đã bị Tòa án Liên bang kết án tổng cộng 845 năm tù giam về 78 tội danh, bao gồm: gian lận tài chính, tống tiền, lừa đảo, tẩy rửa tiền...
Kết quả điều tra cho thấy S. Weiss lập mưu "rút ruột" Công ty Bảo hiểm Heritage National Life hơn 450 triệu USD, khiến hãng này lâm vào cảnh khánh kiệt, gây hệ lụy khôn lường cho vô số khách hàng đăng ký mua bảo hiểm tại đây. Lợi dụng quy chế được tại ngoại, bị cáo đã nhanh chân đào tẩu ra nước ngoài khiến Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã quốc tế.
Tuy vậy, tòa vẫn kết án vắng mặt S. Weiss với mức án nêu trên. Hơn một năm sau, Weiss bị bắt giữ tại Vienna (Áo), rồi được dẫn độ về Mỹ thụ án đồng thời bị truất quyền kháng cáo vì cố tình bỏ trốn…
Đây là phiên tòa kỷ lục cho dạng "tội phạm cổ cồn trắng", Weiss cũng là tên tội phạm tài chính lãnh án tù dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngoài ra, S. Weiss còn phải bồi thường 125 triệu USD, cũng như nộp phạt 123 triệu USD. Một đồng phạm của S. Weiss là Keith Pound, 47 tuổi, lĩnh mức án 750 năm tù, và số tiền phải bồi thường cho Công ty Heritage National Life là 139 triệu USD. Năm 2004, Pound chết trong trại giam vì bệnh.
Kẻ tội phạm "bẩm sinh" thụ án 20 thế kỷ
Giới truyền thông Mỹ theo dõi phiên tòa ở tiểu bang Oklahoma, xét xử bị cáo Darron Bennalford Anderson, 38 tuổi, vào năm 1994 đều hết sức kinh ngạc, khi nhìn thấy đống hồ sơ tội trạng cao ngất khiến “tất cả các tự điển bách khoa toàn thư dày cộp trên thế giới cộng lại cũng không sánh bằng" - như có ký giả ví von.
Darron Anderson (giữa) nói lời cuối cùng cầu xin được nhẹ án.
Được biết, kể từ khi D. Anderson mới lên 7 tuổi cho đến lúc bị ra trước vành móng ngựa, y đã liên tục phạm phải những tội trạng tày đình khác nhau như: cướp có vũ trang, đốt nhà, tra tấn, hãm hiếp, gây án mạng có hệ thống...
Tại phiên sơ thẩm D. Anderson bị tòa tuyên phạt 1.850 năm tù. Anderson kháng cáo. Tới phiên phúc thẩm, trái với dự kiến của hắn, bản án được tăng thêm 250 năm nữa. Rốt cục số phận cũng "mỉm cười" với bị cáo Anderson, khi phiên giám đốc thẩm quyết định mức án cuối cùng "chẵn chòi" cho hắn là 20 thế kỷ. Nghĩa là tới tận năm... 3994 Anderson mới có cơ hội được trả tự do.
Tên giết người hàng loạt với 25 bản án chung thân
Ngày 26.5.1971, cảnh sát tiểu bang California tiến hành bắt giữ nghi phạm Juan Vallejo Corona, 37 tuổi, người Mexico di cư vào Mỹ. Quá trình điều tra cho thấy J. Corona là một trong những tên giết người hàng loạt tàn bạo nhất trong lịch sử, khi lần lượt ra tay hạ sát 25 đồng nghiệp làm cùng trang trại, rồi bí mật chôn xác họ trong các vườn cây ăn quả dọc theo bờ sông Feather, thị trấn Yuba City, quận Sutter.
Tù nhân Juan Corona (trái) bước vào trại giam với... 25 án chung thân.
Phiên tòa xét xử J. Corona được mở vào tháng 9.1972, đúng 7 tháng sau khi tiểu bang California bãi bỏ án tử hình. Bị cáo bị truy tố 25 tội danh giết người cấp độ 1, với tổng cộng hình phạt là 25 án chung thân truất quyền ân giảm, với mỗi bản án tương ứng với một nạn nhân mà hắn đã sát hại. Hiện Corona đang thụ án tại Nhà tù Liên bang ở thành phố Corcoran, California.
Nhân viên bưu tá lĩnh gần… 385.000 năm tù
"Kỷ lục của các kỷ lục" về thời gian “nằm ấp” thuộc về chàng bưu tá 22 tuổi Gabriel March Grandos, làm việc tại thành phố Palma de Mallorca, quần đảo Balearic, Tây Ban Nha.
Tội lơ là nhiệm vụ của bưu tá viên dễ lĩnh mức án kỷ lục.
Vào năm 1972, G. Grandos bị đưa ra tòa xét xử vì không phân phát cho người nhận gần 40.000 bức thư. Cáo trạng truy tố cựu nhân viên bưu điện về các tội danh như thiếu trách nhiệm khi thi hành công vụ, lạm quyền, xâm phạm quyền lợi hợp pháp và bí mật đời tư của công dân...
Kết cục, Tòa án Palma de Mallorca tuyên phạt Grandos 384.912 năm tù, tính ra mỗi lá thư không chuyển đi bị cáo phải chịu mức án 9,6 năm tù. Cho đến tận bây giờ dù đã hơn 40 năm nhưng giới tư pháp quốc tế vẫn không ngớt tranh cãi về tính hợp lý của bản án dài khủng khiếp này. Còn Grandos vẫn đang... “nằm ấp”.
Trần Hồng (An Ninh Thế Giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.